Phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam

Trí Thức

Việc bán tín chỉ carbon không những góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, mà còn đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon (Ảnh minh họa).
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon (Ảnh minh họa).

Tiềm năng lớn

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.

Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Thị trường carbon trên thế giới cơ bản được vận hành theo hai cách: Thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc).

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon, không chỉ vì nguồn lực rừng phong phú, mà còn nhờ vào sự đa dạng của các dự án giảm phát thải trong nông nghiệp, năng lượng tái tạo và quản lý chất thải. Một trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn để khai thác nguồn thu từ bán tín chỉ carbon là lĩnh vực Lâm nghiệp.

Theo thoả thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), năm 2023, Việt Nam chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn. Tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, lọt vào top 15 trong số 60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ carbon.

Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đang triển khai Chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng, đó là ERPA được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế, thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. Thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ cacbon rừng.

Theo đó, thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh trước công chúng và nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Do vậy, giá bán tín chỉ carbon được điều tiết bởi thị trường (quy luật cung – cầu).

Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện trên thế giới thường dao động từ 2 đến 4 USD/tấn, trong đó giá carbon trung bình của các chương trình/dự án tại khu vực châu Á biến động qua các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt là 1,8; 1,6; 3,09 USD/tấn. Giá trung bình cập nhật tại thời điểm hiện nay của thị trường này là 1,07 USD/tấn.

Khó khăn về mặt pháp lý

Mặc dù có nhiều tiềm năng, song việc bán tín chỉ carbon tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do khung pháp lý còn chưa theo được thực tiễn.

Đến nay, hệ thống cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon nông nghiệp, lâm nghiệp còn thiếu đồng bộ, rải rác ở nhiều văn bản; phần lớn vùng sản xuất nông nghiệp và diện tích rừng chưa được phát triển tín chỉ carbon; thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, còn có những hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định, chứng nhận tín chỉ carbon; xác định hàm lượng carbon trong hàng hóa…

Các chính sách về carbon rừng còn đang thiếu những quy định chung, nhằm hài hòa giữa giao dịch tín chỉ carbon theo thị trường và theo cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý đối với việc xác định bản chất tài sản của tín chỉ carbon rừng hay mối quan hệ giữa sở hữu tín chỉ carbon rừng với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng cũng sẽ dẫn đến những bất cập trong việc chuyển nhượng và chia sẻ lợi ích từ nó.

Vấn đề hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC và tiềm năng tín chỉ carbon rừng có thể thương mại của từng địa phương chưa được xác định, phân bổ. Thông tin, nhận thức của nhiều bên liên quan đến dịch vụ carbon rừng còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước chưa được xây dựng.

Làm gì thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon?

Bộ NN&PTNT sẽ triển khai đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050.

Theo đó, sẽ phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hàng năm giai đoạn 2021 - 2030 để thực hiện mục tiêu NDC. Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng và quy định chi tiết về hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ carbon rừng.

Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống đăng ký, quản lý tín chỉ carbon rừng. Tham mưu tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA) với Tổ chức tăng cường tài chính trong lâm nghiệp (Emergent) và các đối tác khác...

Hiện nay, các bộ, ngành đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới.

Việc đẩy nhanh hành lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. Việc tạo ra quy định sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với đó sẽ định hướng giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.