Hết thời hoàng kim cho các thị trường mới nổi?
(Taichinh) - Thời điểm nguồn vốn USD rẻ, dồi dào và tình trạng bùng nổ giá nguyên liệu cao chấm dứt cũng là lúc các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với một thực tế: thời hoàng kim của họ đã không còn.
Chỉ cần một vài số liệu cho thấy thị trường lao động tại Mỹ kém hơn dự báo là đủ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm đẩy lùi thời điểm tăng lãi suất được trông đợi từ lâu nay thêm một thời gian nữa vào mùa thu hoặc tới tận cuối năm. Với triển vọng này, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đã đồng loạt tăng giá trong những phiên gần đây.
Đồng USD sẽ còn tăng giá
Một bản tin của hãng Bloomberg dẫn ý kiến của nhà đầu tư người Nga Vladimir Vedeneev, có khả năng xuất hiện hiện tượng “dòng vốn chảy ngược” từ các nước đang phát triển sang Mỹ. Từ lâu nay, chính sách tiền tệ của Mỹ không ngừng gây lo lắng cho các nền kinh tế mới nổi. Ví dụ như sau khi Mỹ nâng lãi suất đột ngột năm 1994, Mexico đã rơi vào tình cảnh rất khó khăn: chảy máu vốn ồ ạt, đồng peso bị phá giá, khủng hoảng tỷ giá, kế hoạch thắt lưng buộc bụng cấp tốc được tung ra để trả nợ quốc tế, suy thoái kinh tế trong năm 1995, tài chính công bị xấu đi trong một thời gian dài...
Cuộc khủng hoảng Tequila đã để lại những dấu ấn không thể phai, giống như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Gần đây hơn, tháng 5.2013, ông Ben Bernanke, khi đó còn là Chủ tịch Fed, thông báo giảm quy mô của chương trình nới lỏng định lượng (QE) khiến cho đồng rupee của Ấn Độ, đồng bảng Thổ Thĩ Kỳ, rand của Nam Phi... đều mất giá.
Theo Olivier de Boysson, chuyên gia kinh tế hàng đầu của ngân hàng Pháp Société Générale, các nước mới nổi đang phải chuẩn bị cho sự chấm dứt của một thập niên mà tăng trưởng kinh tế nhờ hai nhân tố - bùng nổ giá nguyên liệu và tự do hóa thị trường tài chính - không còn nữa. Với việc nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ, họ sẽ phải đối mặt với một thế giới trong đó các nguồn tài chính đắt đỏ hơn và phức tạp hơn.
Fed thay đổi thái độ
Việc lặp lại kịch bản kiểu Mexico là điều ít khả năng xảy ra trong năm 2015 bởi Fed đã triệt để thay đổi cung cách. Theo quan sát của ông Ludovic Subran, Giám đốc kinh tế của Euler Hermes (một công ty bảo hiểm tín dụng của Pháp), Fed đã cố gắng tỏ ra minh bạch và định hướng trước. Việc nâng lãi suất đột ngột sẽ đi ngược lại nguyên tắc này. Julien Marcilly, nhà kinh tế trưởng của hãng tư vấn Coface, cho rằng “việc nâng lãi suất cũng sẽ tác động đến Mỹ.
Đồng USD sẽ còn tiếp tục tăng giá và điều đó không có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Đó cũng là thông điệp tinh tế của Chủ tịch Fed Janet Yellen khi muốn áp dụng chính sách nâng lãi suất từ từ, từng bước một vì những lý do nội tại của Mỹ”. Chuyên gia Christophe Destais của Trung tâm nghiên cứu và dự báo kinh tế thế giới Pháp (CEPII) cho rằng: “các nhà đầu tư muốn rút khỏi các nền kinh tế mới nổi có thời gian để chuẩn bị và họ có thể xem xét kỹ hơn chiến lược của mình”.
Những rủi ro tài chính
Các nền kinh tế mới nổi đã có những nền tảng vĩ mô khá tốt cho tới tận cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Nhưng hiện tại họ đang đứng trước những rủi ro tài chính rất lớn. Các nước này đã tích lũy được khối dự trữ ngoại tệ khổng lồ để đối phó với khủng hoảng, như Nga chẳng hạn, có khả năng bảo đảm đủ ngoại tệ cho 10 - 11 tháng nhập khẩu, so với chỉ 3 - 4 tháng vào năm 1998. Nhưng theo Patrick Artus, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, “tấm đệm” này hiện nay đã giảm tác dụng do “sự gia tăng đáng kể của thanh khoản toàn cầu”, gây ra bởi việc tự do hóa các thị trường tài chính và các chính sách tiền tệ quá nới lỏng của Fed.
Từ năm 2010 - 2013, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các quốc gia mới nổi đã tiếp nhận gần một nửa nguồn vốn thế giới, so với bình quân khoảng 20% của giai đoạn 2002 - 2008. Trong số đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dù vẫn chiếm đa số, nhưng đầu tư vào thị trường chứng khoán chiếm tỷ trọng rất nhỏ trước năm 2008, đã vươn lên chiếm khoảng 25%.
Trong một thế giới mà các thị trường kết nối chặt chẽ với nhau, khủng hoảng cán cân thanh toán có thể xảy ra rất nhanh. Trong môi trường kinh tế mới này, dòng vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổi lên tới khoảng 150 - 200 tỷ USD mỗi tháng. Việc dòng vốn chảy ngược, cho dù nhất thời phụ thuộc vào tình hình kinh tế, cũng có thể đạt khối lượng rất lớn. Mặt khác, “dự trữ ngoại hối có thể tan chảy như tuyết dưới ánh mặt trời, đặc biệt là trong trường hợp nó được sử dụng để tái cấp vốn các ngân hàng hay để bơm ngoại tệ ra thị trường”, ông Ludovic Subran nói. Theo đánh giá của Marcilly, “sử dụng dự trữ ngoại hối và công cụ tỷ giá để bảo vệ đồng nội tệ khi thị trường đang diễn biến theo hướng đi xuống chẳng khác gì ra khơi ngược gió. Cách tốt nhất là để mặc cho bão đi qua, như Nga đã làm”.
Bất bình đẳng trước biến động
Tuy vậy, các nền kinh tế mới nổi đối mặt với nguy cơ biến động của thị trường tài chính không giống nhau. Dễ bị ảnh hưởng nhất vẫn là những nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và đồng tiền mất giá. Ông Boysson cho rằng: “từ khi giá dầu và nguyên liệu giảm, một số nước đã vững hơn, chẳng hạn như Ấn Độ hay Indonesia, do đã tiến hành cải tổ mạnh mẽ”. Bức tranh kinh tế năm 2015 không giống như năm 2013, theo nhận định của Julien Marcilly. Đông Nam Á đã kéo lại tăng trưởng và đẩy lùi lạm phát, việc tỷ giá giảm sẽ ít tác động tiêu cực hơn những nơi khác vì nó cho phép tăng nhập khẩu. Ngược lại, ở những nước mà lạm phát cao, người ta không thể tự cho phép phá giá quá mạnh đồng nội tệ.
Từ đó dẫn đến bài toán khó truyền thống của các ngân hàng trung ương: Tăng lãi suất để hạn chế lạm phát thì sẽ có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng, nhưng giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế thì dẫn tới lạm phát.
Say sưa với một thập kỷ hoàng kim, các nước mới nổi nay đã nhận ra rằng còn lâu họ mới có thể đoạn tuyệt với những vấn đề khó khăn truyền thống trên con đường tăng trưởng: Làm thế nào để phá hủy những chốt chặn kìm hãm tăng trưởng? Làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng đầu tư cho phát triển và giảm nợ? Làm sao để thúc đẩy tăng trưởng một cách ổn định, trong một thế giới mà bất ổn tài chính đang ngự trị?