Đồng USD mạnh đang “làm khó” các thị trường mới nổi như thế nào?
(Tài chính) Đà tăng giá chóng mặt của đồng USD – với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm qua – là điều tuyệt vời cho các du khách Mỹ, nhưng lại là “nỗi đau” cho nhiều quốc gia khác và các doanh nghiệp lớn đang hoạt động bên ngoài nước Mỹ. Trong đó, các quốc gia thị trường mới nổi được xem là đối tượng gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Jeff Layman, chuyên gia đầu tư tại BKD Wealth Advisors, cho biết: “Các thị trường mới nổi đang cảm nhận tác động xấu của đồng USD. Họ đang bị ảnh hưởng từ nhiều phía khác nhau”.
Ngoài những vấn đề liên quan đến tiền tệ, các quốc gia đang phát triển cũng đang đối mặt với những vấn đề chính trị, cũng như nỗi lo sợ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và hàng hóa rớt giá mạnh.
Kết quả là các nhà đầu tư đang... “tháo chạy”. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong cả tháng 3 vừa qua, nhà đầu tư chỉ rót 16 tỷ USD vào cổ phiếu và trái phiếu của các thị trường mới nổi. Kể từ năm 2010 đến nay, các thị trường mới nổi luôn thu hút được nhiều hơn thế: bình quân khoảng 22 tỷ USD mỗi tháng.
Tiền tệ của các thị trường mới nổi tiếp tục mất giá
Các đồng tiền của thị trường mới nổi không thể theo kịp tốc độ tăng của đồng USD. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, đồng USD đã tăng 8% so với nhiều đồng tiền thị trường mới nổi trong suốt 12 tháng qua.
Nhưng nếu xem xét kĩ hơn thì mọi chuyện tồi tệ hơn rất nhiều đối với một số loại tiền tệ: đồng USD đã tăng 61% so với đồng ruble của Nga, 43% so với đồng real của Brazil và 19% so với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng một năm qua.
Đó là một vấn đề lớn đối với các quốc gia và doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi hiện đang mắc nợ bằng đồng USD. Trả được hết món nợ bằng đồng USD ấy hiện đang trở nên ngày càng khó khăn hơn vì đồng nội tệ của họ đang mất giá quá nhanh.
Theo một báo cáo của Moody, các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Indonesia hiện đang có 20% (hoặc nhiều hơn) nợ Chính phủ không được tính bằng đồng nội tệ của họ. Đây quả là một con số rất lớn khi mà giá trị đồng nội tệ của các quốc gia này đang trở nên ngày càng nhỏ bé.
Đối với các công ty niêm yết đại chúng, các khoản nợ đắt đỏ hơn cũng đồng nghĩa với lợi nhuận thấp hơn và giá cổ phiếu giảm hơn.
Nguồn: CNN Money
|
Sean Lynch, đồng giám đốc chiến lược tại Wells Fargo, cho biết: “Khi đồng USD mạnh lên, tiền thường ‘chảy’ vào nước Mỹ và ra khỏi các nền kinh tế mới nổi”.
Giá cổ phiếu hiện đang rất hời, nhưng có lẽ... chưa đủ
Cổ phiếu của các thị trường mới nổi tương đối rẻ so với cổ phiếu của Mỹ, nhưng tiền mất giá cũng khiến các nhà đầu tư ngoại phải e dè tránh xa vì khi muốn chuyển lợi nhuận về lại đồng USD, họ có thể bị mất đi một lượng đáng kể hoặc thậm chí là tất cả số lợi nhuận kiếm được.
Chỉ số S&P 500 đang chứng kiến giao dịch hết sức bấp bênh trong năm 2015, nhưng tính ra vẫn tăng 12% so với năm ngoái. Ngược lại, chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi đang giảm 1.5%.
Nỗi sợ Fed tăng lãi suất
Ngoài các vấn đề trên, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed, cũng có thể khiến các nhà đầu tư ở những thị trường mới nổi phải... “run rẩy”.
Fed đang phát đi các tín hiệu cho thấy cơ quan này có thể nâng lãi suất vào tháng 6 hoặc tháng 9 lần đầu tiên trong gần một thập kỷ. Các thị trường mới nổi đã được hưởng lợi từ mức lãi suất gần bằng 0% của Fed suốt thời gian qua: nhà đầu tư muốn có lợi nhuận cao hơn nên đã đổ xô mua vào trái phiếu các thị trường mới nổi để được hưởng lãi suất cao hơn.
Nhà đầu tư cũng từng có một phen “hoảng vía” vào tháng 5/2013 khi Chủ tịch Fed khi đó là ông Ben Bernanke thông báo rằng Fed sẽ dần dần kết thúc chương trình kích thích kinh tế. Cổ phiếu của các thị trường mới nổi ngay lập tức bốc hơi đến 16% trong suốt 6 tuần.
Với việc thị trường đang mong Fed sớm tăng lãi suất, nhà đầu tư cảm thấy trái phiếu của các thị trường mới nổi là có rủi ro cao và đang dần quay lại với trái phiếu của Chính phủ Mỹ.
Các vấn đề khác
“Kế hoạch dự bị” cho các thị trường mới nổi thường là hàng hóa, nhưng rõ ràng không phải là trong năm nay. Hiện giá dầu chỉ ở mức 48 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức gần 100 USD/thùng cách đây khoảng 6 tháng. Đó thật sự là vấn đề lớn với Nga, quốc gia đang phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và châu Âu.
Ngoài dầu, tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cũng đang đẩy giá cả mọi thứ, từ kim loại đến nông sản, đến bờ vực. Brazil đang bị ảnh hưởng nặng vì giá cà phê, đường và đậu nành đang rớt, lại thêm vụ “lùm xùm” giữa Tổng thống Dilma Rousseff và Công ty Dầu khí Nhà nước Petrobras. James Caron, Giám đốc danh mục đầu tư tại ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng: “Giá hàng hóa xuất khẩu đang giảm và nợ tính bằng đồng USD đang tăng. Quả là... họa vô đơn chí!”