IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm
(Tài chính) Hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới nên chuẩn bị cho giai đoạn kéo dài của tình trạng tăng trưởng chậm, tình trạng này sẽ khiến các chính phủ và doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc thu hẹp các khoản nợ của họ, theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Cảnh báo sẽ dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với giai đoạn tăng trưởng suy giảm, một số nhà kinh tế đã miêu tả tình trạng này như một sự "đình trệ kéo dài" .
Các thị trường mới nổi cũng sẽ khó xây dựng lại thặng dư ngân sách trước tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm, trong khi thặng dư ngân sách rất cần thiết để chính phủ thúc đẩy chi tiêu và cắt giảm thuế trong tương lai gần.
Theo các kết quả nghiên cứu, bao gồm một trong số những đề tài phân tích của Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (báo cáo được thực hiện 2 lần mỗi năm của IMF), cho rằng điều kiện sống của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mức tăng trưởng đã đạt được trước năm 2008.
Họ cũng cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp tới sẽ trở nên tồi tệ hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đó, nó cũng sẽ khiến tỷ lệ các nền kinh tế có khả năng mở rộng giảm đi.
IMF cho rằng sự suy giảm trong tăng trưởng sản lượng tiềm năng đi liền với mức lạm phát ổn định, song hành với thực trạng dân số già và tỷ lệ tăng trưởng năng suất suy yếu tại một số thị trường mới nổi.
Trung Quốc là quốc gia có sự suy giảm rõ rệt nhất trong tăng trưởng sản lượng tiềm năng, nước này đang cố gắng cân bằng lại nền kinh tế bằng việc xúc tiến đầu tư và kích thích tiêu thụ.
IMF dự báo mức tăng trưởng sản lượng tiềm năng của thế giới sẽ là 1,6% một năm, trong giai đoạn 2015 - 2020. Con số này nhỉnh hơn so với tốc độ tăng trưởng trong vòng 7 năm qua, nhưng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng, khi sản lượng tiềm năng được mở rộng đến mức 2,25% một năm.
Sự suy giảm tại các thị trường mới nổi thậm chí được cho là sắc nét hơn tại các khu vực khác. Sản lượng tiềm năng được dự báo sẽ giảm từ 6,5% trong giai đoạn 2008-2014 xuống còn 5,2% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Tuần tới IMF sẽ tổ chức các cuộc họp mùa xuân tại Washington cùng với Ngân hàng Thế giới, nhằm tiếp tục kêu gọi các nhà hoạch định chính sách phải hành động để nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, kêu gọi chính phủ ở các quốc gia tiên tiến nên hỗ trợ chi tiêu đầu tư.
Quỹ cũng đang kêu gọi các chính trị gia tại các thị trường mới nổi thực hiện cải cách cơ cấu, bao gồm cả việc cải thiện điều kiện kinh doanh và tháo gỡ các vướng mắc cho hoạt động chi tiêu cơ sở hạ tầng. IMF cũng cho biết các quốc gia này cũng nên đầu tư để cải thiện hệ thống giáo dục, đặc biệt là ở cấp trung học và đại học.