Hiện thực hoá giấc mơ đô thị ven sông Hồng
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định quy hoạch đã đạt được mục tiêu về khai thác sử dụng đất, cũng như tổ chức thành phố hai bên sông.
Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản trực tuyến “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng”, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, quy hoạch khu đô thị ven sông Hồng là một trong những vấn đề thời sự được dư luận quan tâm từ rất lâu.
Trăn trở của nhiều nhà quy hoạch
Khi nhắc tới sông Hồng đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định đây là trăn trở là ấp ủ của nhiều nhà quy hoạch Thủ đô Hà Nội. “Nói đây là một "giấc mơ" bởi đã nhiều lần chúng ta bàn tới quy hoạch sông Hồng. Hầu như lần nào chúng ta lập hay điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội cũng đều bàn tới trục hành lang của sông Hồng này, làm sao để hiện thực thì vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp”, ông Chiến nhấn mạnh.
Nhắc lại lần lập quy hoạch năm 2005, với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc, Hà Nội đã có nghiên cứu tổng thể quy hoạch sông Hồng này, ông Chiến cho biết, thời kỳ đó cũng phải nói rõ, khi chúng ta nghiên cứu về quy hoạch này thời điểm 2005-2007 thì Hà Nội chưa mở rộng.
Về cơ sở pháp lý thời điểm đó, chúng ta mới có Luật Đê điều vừa ban hành thay thế cho Pháp lệnh đê điều trước đây. Cùng với đó là Quyết định 92 phê duyệt tổng thể hệ thống đê có lũ sông Hồng và sông Thái Bình…đây là các căn cứ pháp lý, là mấu chốt cơ sở pháp luật quan trọng để nghiên cứu quy hoạch này.
“Thời điểm đó chúng ta đã nghiên cứu từ cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, mô hình tổ chức thực hiện, nguồn lực thực hiện… Đồng thời có sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp nhà nước chỉ đạo quy hoạch chứ không phải riêng Hà Nội nữa”,Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.
Đặc biệt, ông Chiến cho biết, nghiên cứu quy hoạch khi đó cũng “ngại” về số dân cư ngoài bãi là rất lớn, khoảng hơn 20 vạn dân. Đây là con số lớn, do đó quy hoạch sẽ tác động tới vấn đề an sinh. "Do đó, chúng ta rất cẩn trọng, lấy ý kiến người dân 2 lần, tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa, cơ bản đồng tình với quy hoạch", ông Chiến nói.
Nhắc lại thời điểm đó khi chúng ta chưa mở rộng quy hoạch thủ đô Hà Nội, ông Chiến cho biết tới năm 2008, mới mở rộng Hà Nội, nhà nước mong muốn lồng ghép quy hoạch ven sông hồng vào quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội. Tới 7/2011 Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung của thủ dô Hà Nội sau khi đã mở rộng. Trong đó có lồng ghép nghiên cứu quy hoạch ven sông Hồng.
"Vậy đến nay, khi chúng ta đặt vấn đề nghiên cứu quy hoạch cơ bản thì phù hợp hay không phù hợp với định hướng của Quyết định số 1259/QĐ-TTG về quy hoạch chung Thủ đô đã phê duyệt và tôi chắc chắn sẽ có những điều chỉnh? Vậy làm thế nào hiện thực hoá giấc mơ ven sông Hồng này?" - ông đặt câu hỏi.
Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Quyết định số 1259/QĐ-TTG về quy hoạch chung Thủ đô phải được điều chỉnh để lấy căn cứ, chỗ dựa điều chỉnh quy hoạch phân khu. “Nhưng trong bối cảnh này không thể chờ điều chỉnh xong Quy hoạch của Quyết định số 1259/QĐ-TTG sửa đổi mới điều chỉnh quy hoạch chung sau đó mới điều chỉnh quy hoạch phân khu sông hồng này. Chúng ta phải sửa đổi song song sau đó lồng ghép điều chỉnh phù hợp nếu phải điều chỉnh Quyết định. Vấn đề thời gian là vấn đề rất được quan tâm”, ông Chiến nhấn mạnh.
Theo đó, người dân khu vực sông Hồng và các nhà đầu tư rất mong mỏi chờ đợi xem có được đầu tư vào khu vực này hay không.
Theo quy hoạch tại Quyết định số 1259/QĐ-TTG thì trục kết nối đã được hình thành, cực phía Bắc đã phát triển không thể cưỡng lại nữa. “Với 1,7 triệu dân của cực Bắc, khu vực phía Bắc còn đầu mối sân bay quốc tế, do đó khu vực này sẽ đô thị hoá rất sớm bởi hệ thống hạ tầng khung đã được hình thành. Trục phía Đông với vành đai 4 và vành đai 3 cũng đã được hình thành. Cực tăng trưởng lớn của khu vực phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng nằm phía Đông và phía Bắc. Do đó hướng Bắc và hướng Đông sẽ tăng trưởng mạnh thời gian tới và sẽ phát triển sớm hơn rất nhiều so với phía Tây”, ông Chiến nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng đây là lợi thế lớn.
Hiện thực thành phố hai bên sông
Quay trở lại với quy hoạch ven sông Hồng với Quyết định số 257/QĐ-TTg xuất hiện khái niệm “không gian thoát lũ” rộng và “mềm” hơn sẽ cho không gian ngoài bãi sông gồm cả lòng sông, bãi sông,…quy hoạch sẽ mềm dẻo hơn rất nhiều, quỹ đất mở rộng so với trước đây.
Trước đây các nhà nghiên cứu đề xuất khai thác hai bên sông. Nhưng bây giờ đất đai đã mở rộng, “không gian thoát lũ” linh hoạt và đặt được vấn đề xây dựng hai con đường dọc sông, hình thức như đê bối và sẽ bị đê chính chặn lại, đảm bảo được an toàn cho Thủ đô và là “mềm dẻo” với quy hoạch dự án lần này.
Cũng theo ông Chiến, quy hoạch lần này cũng giải quyết được vấn đề tái định cư, di dân cho dân cư ngoài bãi sông Hồng. Khi làm được hai tuyến đường hai bên sẽ xây dựng được chỉ giới đỏ, tạo được thành phố hai bên sông – ao ước của các nhà quy hoạch. Kể cả nhà dân nếu còn tồn tại cũng sẽ quay mặt lại sông chứ không quay lưng vào sông như trước đây nữa.
“Như vậy chúng ta sẽ đạt được mục tiêu về khai thác sử dụng đất, cũng như tổ chức thành phố hai bên sông, hiện thực giấc mơ”, ông Chiến nhấn mạnh.
Về quỹ đất, trước đây nghiên cứu 2007 đưa ra quỹ đất khoảng 2.400m sau khi chừa hành lang thoát lũ. Hiện nay chúng ta chấp nhận “sống chung với lũ” xây dựng heo hướng đê bối. Như vậy chúng ta chỉ có khoảng chưa đầy 200 ha. Con số này đã là con số cuối cùng chưa? Con số 200 ha có giải quyết được vừa xây khu đô thị vừa đảm bảo hạ tầng an sinh? Vậy đây là vấn đề nguồn lực có thực thi được.
“Mặc dù Quyết định số 257/QĐ-TTg cho chúng ta huy động nguồn lực từ nhiều hình thức xã hội hoá, BT…nhưng dù hình thức nào muốn hấp dẫn được nhà đầu tư phải chỉ rõ được quỹ đất. Đồng thời đảm bảo được quỹ đất đó về quy hoạch sẽ đảm bảo đầu tư và sinh lời cho nhà đầu tư, Do đó, các nhà quy hoạch phải xắn tay lên chỉ rõ những điều này”, ông Chiến khẳng định - "Nếu không sẽ tạo áp lực lớn cho ngân sách nhà nước".
Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát phải bắt tay nhanh chóng vào nghiên cứu và hiện thực để cân đối lại cung cầu hiện nay.