Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Chiến thắng của sự tiến bộ
11 nước thành viên tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không có Mỹ, đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc nhằm hồi sinh thỏa thuận thương mại này, với tên gọi mới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP). Điều này không chỉ chứng tỏ quyết tâm của các nước vì một khu vực thương mại tự do, cởi mở và thịnh vượng, mà còn cho thấy sự tiến bộ vượt trội của thỏa thuận thương mại đa phương so với thỏa thuận song phương.
Ý chí và quyết tâm
Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu đề cập tới chính sách thương mại của Mỹ, trong đó tái khẳng định chính sách “nước Mỹ trên hết” cũng như kêu gọi “mỗi nước vì lợi ích của chính mình”.
Ông Donald Trump nêu rõ, không chấp nhận bất cứ thỏa thuận thương mại nào bất công bằng và “trói tay” các nước tham gia ký kết. Thay vào đó, Mỹ chỉ chấp nhận những thỏa thuận thương mại song phương được đàm phán trực tiếp với từng đối tác.
Trước sự thoái lui của Washington và chủ nghĩa bảo hộ thương mại lên cao, 11 nước thành viên TPP còn lại gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore quyết tâm tiếp tục thực hiện thỏa thuận thương mại lịch sử và được cho là tiến bộ nhất trong thế hệ này.
Trang phân tích tài chính The Bloomberg dự báo, các nước thành viên CTTPP sẽ không dừng lại ở con số 11 mà có thể tăng lên 16. Hiện, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia và Philippines đã ngỏ ý sẵn sàng tham gia hiệp định thương mại này. Việc mở rộng các nước thành viên có thể giúp gia tăng lợi ích kinh tế đáng kể cho các bên liên quan.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson, việc CTTPP tăng từ 11 lên 16 thành viên có thể làm tăng gấp 3 lần lợi ích cho các bên, tương đương khoảng 500 tỷ USD/năm, nhiều hơn so với dự tính ban đầu của TPP-12. Đấy là nhờ sự quy tụ của ba nền kinh tế phát triển nhất (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) vốn chưa tham gia thỏa thuận tự do thương mại nào. Thêm vào đó, sự mở rộng quy mô này còn dẫn tới sự phát triển của các chuỗi cung ứng mới trên khắp châu Á.
Ưu thế vượt trội
Các nhà phân tích của tạp chí Forbes đã chỉ ra những điểm vượt trội của thỏa thuận thương mại đa phương, mà CTTPP là một ví dụ tiêu biểu, so với thỏa thuận thương mại song phương. Theo đó, doanh nghiệp ngày nay gặp nhiều khó khăn trước các quy định phức tạp của thỏa thuận thương mại tự do đan xen, chồng chéo lẫn nhau. Trong bối cảnh các công ty mở rộng chuỗi giá trị ở những thị trường mới, việc hài hòa các quy định và tiêu chuẩn là cần thiết.
Thỏa thuận thương mại đa phương giúp xóa tan sự bối rối của doanh nghiệp khi thiết lập các tiêu chuẩn và thủ tục chung giữa các thị trường thành viên, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và thương nhân trong hoạt động làm ăn, nhất là những doanh nghiệp quốc tế nhỏ và vừa.
Thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu ngày càng diễn ra phổ biến và phát triển mạnh mẽ trên nền tảng kỹ thuật số và các trang mạng trực tuyến. Nền kinh tế kỹ thuật số đã vượt qua giới hạn đường biên giới các quốc gia, cho phép doanh nghiệp được hỗ trợ về công nghệ mở rộng dịch vụ và cung cấp sản phẩm trực tuyến từ bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào.
Thỏa thuận thương mại đa phương như CTTPP cung cấp khuôn khổ với tầm nhìn xa trông rộng nhằm thiết lập các tiêu chuẩn về bảo mật và bảo đảm an ninh cho dữ liệu, tài sản trí tuệ, thương mại điện tử và các dịch vụ liên quan.
Khu vực thương mại tự do càng rộng lớn, lợi ích càng tăng lên. Các thỏa thuận đa phương giúp mở rộng tiêu chuẩn và thông lệ chung tốt nhất, qua đó thiết lập vòng tròn thương mại mang tính bao trùm và có tiêu chuẩn cao.
Các thỏa thuận thương mại đa phương còn làm tăng thêm liên minh địa chính trị. Một chủ trương đối ngoại mạnh mẽ và nhất quán cần có sự cân bằng giữa các yếu tố an ninh, khuôn khổ chính trị và quan hệ thương mại mạnh.
TPP ban đầu được nhìn nhận là thỏa thuận thương mại do Mỹ dẫn đầu và đề ra những quy định dựa trên các biện pháp nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á. Tuy nhiên, với việc Mỹ rút khỏi TPP, các đồng minh của Washington càng cảm nhận rõ hơn thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Do vậy, Nhật Bản, Singapore, Australia và những thành viên khác đã xích lại gần nhau và quyết tâm tiếp tục thực hiện TPP mà không có Mỹ. Sự liên kết về địa chính trị và thương mại sẽ càng chứng tỏ tầm quan trọng trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt.
Thỏa thuận thương mại đa phương còn khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động. Theo báo cáo của Nhóm công tác về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) của APEC, những doanh nghiệp này chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp MSMEs liên quan tới lĩnh vực dịch vụ sẵn sàng khai thác công nghệ kỹ thuật số để mở rộng kinh doanh, tiếp cận khách hàng quốc tế và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Những doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các thể thức hội nhập đa phương sâu rộng của CPTPP để mở rộng kinh doanh.
Bởi lẽ, các khuôn khổ thỏa thuận thương mại đa phương có nhiều thuận lợi hơn so với các thỏa thuận song phương trong việc thúc đẩy thương mại trực tuyến phi biên giới giữa các nước, nhất là khi giúp dỡ bỏ rào cản phi thuế quan.
Mặc dù các thỏa thuận thương mại, kể cả thỏa thuận song phương, đều dẫn tới việc các nước chạy đua thương mại và đầu tư bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn của mình, song các thỏa thuận đa phương bảo đảm hạ thấp tiêu chuẩn chung của tất cả các bên tham gia và giữ vững một số tiêu chuẩn cốt lõi.
Đơn cử, trong thỏa thuận TPP, Mỹ đã khăng khăng giữ những tiêu chuẩn được xem là giá trị cốt lõi như thương mại bền vững, các tiêu chuẩn về lao động và bình đẳng giới trong TPP. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, các nội dung của thỏa thuận cơ bản được giữ lại và những tiêu chuẩn trên cũng không bị giảm bớt hay loại bỏ trong CPTPP.
CTTPP giữ hầu hết nội dung của TPP, song trong 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận ban đầu, có 20 điều khoản bị tạm hoãn thực thi, chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ.
Danh mục các điều khoản này gồm:
1. Hàng chuyển phát nhanh - Điều 5.7.1 (f) - tạm hoãn câu thứ 2
2. Thỏa thuận Đầu tư và Cấp phép Đầu tư (ISDS - Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước áp dụng trong chương này)
Điều 9.1 Các định nghĩa - tạm hoãn “hợp đồng đầu tư” và “Cấp phép đầu tư” và các chú thích đi kèm (5-11)
Điều 9.19.1 Trình Khiếu kiện ra Trọng tài - a (i) B và C; (b) (i) B và C (cấp phép đầu tư hoặc hợp đồng đầu tư) và ghi chú 31 đi kèm
Điều 9.19.2 Trình Khiếu kiện ra Trọng tài - ghi chú 32
Điều 9.19.3 Trình Khiếu kiện ra Trọng tài - (b) xóa bỏ cấp phép đầu tư hoặc hợp đồng đầu tư
Điều 9.22.5 Lựa chọn trọng tài
Điều 9.25.2 Luật áp dụng
Phụ lục 9-L Các hợp đồng đầu tư
3. Dịch vụ chuyển phát nhanh - Phụ lục 10–B - tạm hoãn đoạn 5 và 6
4. Tiêu chuẩn đối xử tối thiểu tại Điều 11.2 - tạm hoãn tiểu mục 2 (b); ghi chú 3 và Phụ lục 11-E
5. Giải quyết tranh chấp Viễn thông - Điều 13.21.1 (d)
6. Điều kiện tham dự thầu - Điều 15.8.5 - Các cam kết liên quan đến quyền lao động trong điều kiện tham gia dự thầu
7. Đàm phán trong tương lai - Điều 15.24.2 - tạm hoãn “không muộn hơn 3 năm sau ngày Hiệp định có hiệu lực” *
(* Chú thích: Các bên đồng ý rằng các cuộc đàm phán được đề cập trong Điều khoản 15.24.2 sẽ bắt đầu không sớm hơn 5 năm sau ngày Hiệp định có hiệu lực, trừ khi các thành viên có đồng ý gì khác. Những cuộc đàm phán như vậy sẽ bắt đầu khi có một bên yêu cầu.)
8. Đối xử Quốc gia - Điều 18.8 ghi chú 4 - tạm hoãn hai câu cuối
9. Đối tượng có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế - Điều 18.37.2 và 18.37.4 (Câu thứ 2)
10. Điều chỉnh thời hạn bằng sáng chế do sự chậm trễ của cơ quan cấp bằng sáng chế - Điều 18.46
11. Điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế do bị rút ngắn bất hợp lý - Điều 18.48.
12. Bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác – Điều 18.50 .
13. Sinh phẩm - Điều 18.51
14. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan - Điều 18.63
15. Các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền (TPMs) - Điều 18.68.
16. Thông tin quản lý quyền (RMI) - Điều 18.69.
17. Bảo hộ tín hiệu cáp và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa - Điều 18.79
18. Chế tài pháp lý và Khu vực an toàn - Điều 18.82 và các Phụ lục 18-E và 18-F
19. Bảo tồn và Thương mại (các biện pháp “chống” thương mại trái phép) - Điều 20.17.5 - tạm hoãn cụm “hay một luật áp dụng khác” và Chú thích 26
20. Minh bạch và công bằng về thủ tục đối với hàng hóa dược phẩm và thiết bị y tế - tạm hoãn Phụ lục 26 - Điều 3 về Công bằng về thủ tục
Các vấn đề sẽ được thống nhất trước thời điểm ký kết Hiệp định trên cơ sở đồng thuận giữa tất cả các bên để việc tạm hoãn có hiệu lực:
1. Doanh nghiệp nhà nước, Phụ lục IV (Malaysia).
2. Các biện pháp không tương thích về Dịch vụ và Đầu tư, Phụ lục II - Brunei Darussalam, 14- Than - đoạn 3.
3. Giải quyết tranh chấp (trừng phạt thương mại) - Điều 28.20 (Việt Nam).
4. Ngoại lệ về Văn hóa (Canada).