APEC Việt Nam 2017: Định hình tương lai

Theo Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

Thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC nói riêng và Năm APEC 2017 nói chung ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong tiến trình phát triển không ngừng của diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này.

Các nhà lãnh đạo APEC chụp ảnh lưu niệm tại Đà Nẵng. Nguồn: Internet
Các nhà lãnh đạo APEC chụp ảnh lưu niệm tại Đà Nẵng. Nguồn: Internet

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã khép lại với Tuyên bố về “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, phác thảo tầm nhìn mới cho khu vực - một tầm nhìn xa và rộng hơn Mục tiêu Bogor đưa ra cách đây 23 năm, đó là hướng tới một APEC phát triển bao trùm và tự cường. 

Phát triển bao trùm và tự cường

Tại Hội nghị Cấp cao diễn ra ngày 11/11, sự kiện quan trọng nhất trong Năm APEC Việt Nam 2017, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung; thông qua Kế hoạch hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường.

Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị Cấp cao APEC cũng như Năm APEC 2017, bởi các văn kiện này là định hướng cho sự phát triển của APEC trong tương lai.

Bên cạnh việc tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư cũng như hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), các nhà lãnh đạo APEC cũng nhất trí sự cần thiết phải chuẩn bị để APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư với việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cao cấp xác định hướng đi và tương lai của Diễn đàn sau năm 2020.

Đó là hướng đến một Diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Quyết định này cũng thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, trong đó người dân và doanh nghiệp có vị trí trung tâm.

Bên cạnh đó, Hội nghị đã thông qua Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, đáp ứng quan tâm chung của khu vực về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản, bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, để tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách sâu sắc về các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh, bền vững và sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường an ninh lương thực - nước - năng lượng...

Những kết quả này không chỉ thể hiện cam kết chính trị của APEC tiếp tục theo đuổi con đường tự do hóa thương mại và đầu tư, mà còn là thông điệp mạnh mẽ của các thành viên APEC về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; coi đó là những yếu tố vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho Diễn đàn bước sang giai đoạn phát triển mới và tất yếu.

Đánh giá về những kết quả của Năm APEC Việt Nam 2017, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, TS. Alan Bollard nhận định: Việt Nam đã rất thành công trong việc đặt ra chủ đề cũng như những ưu tiên trong hoạt động của Năm APEC 2017, đồng thời dẫn dắt một cách khéo léo để toàn thể thành viên đạt được nhận thức chung về những chủ đề và ưu tiên đó. APEC Đà Nẵng thành công đã khép lại một năm hoạt động sôi động và hiệu quả của APEC, đồng thời là tiền đề mở ra các chủ đề, khởi động các chương trình, hoạt động cho nước đăng cai tiếp theo.

Vai trò dẫn dắt

Trên cương vị chủ nhà, chủ trì, điều hành hoạt động của các ủy ban, nhóm công tác của APEC suốt năm 2017 với số lượng cuộc họp, đối thoại, hội nghị nhiều gấp hơn 2 lần so với năm 2006, Việt Nam đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực, chủ động với tinh thần trách nhiệm cao.

Các nguyên tắc cơ bản của APEC là bình đẳng, đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc đã được Việt Nam vận dụng hiệu quả để dẫn dắt tiến trình hợp tác APEC đạt tới những kết quả thiết thực. Vai trò của Việt Nam trong Năm APEC 2017 đã nhận được sự đánh giá tích cực của báo chí quốc tế và của chính các nhà lãnh đạo, quan chức tham dự.

Tổng thống Chile Michelle Bachelet, người đã lần thứ hai tham dự APEC tại Việt Nam, nhận xét: “Việt Nam đã cho thấy khả năng tổ chức tuyệt vời, không chỉ về cơ sở hạ tầng, mà còn cả chất lượng chương trình làm việc và đại biểu… Không chỉ bây giờ mà trong suốt một năm qua, Việt Nam đã tổ chức tốt các sự kiện của Năm APEC 2017”.

Phát biểu trong cuộc họp báo riêng sau Hội nghị Cấp cao APEC hôm 11/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đánh giá rất cao tính thực tế của các chủ đề tại APEC 2017, coi đó là nhân tố quyết định thành công chung của Hội nghị. Tổng thống Putin nói:

Thứ nhất, về công tác tổ chức, Việt Nam đã làm mọi thứ có thể để chúng tôi có thể thoải mái làm việc, tạo ra bầu không khí thuận lợi. Thứ hai, liên quan đến chủ đề của Hội nghị cấp cao - đây là một chủ đề có tính liên hệ rất cao. Như các bạn biết, ở Nga, chúng tôi rất quan tâm đến nền kinh tế số theo các khía cạnh khác nhau cũng như các biểu hiện của nó và chúng tôi đang xem xét các vấn đề liên quan dưới nhiều góc độ”.

Theo Tổng thống Putin, điều quan trọng là Việt Nam đề cao chính xác chủ đề kinh tế số bởi các nền kinh tế thành viên không chỉ thảo luận về một số vấn đề mà còn phải cùng nhau giải quyết.

Đến từ Papua New Guinea, chủ nhà của Năm APEC 2018, Giám đốc điều hành khối Sản xuất tin tức của Cơ quan Phát thanh truyền hình Quốc gia Papua New Guinea Ivan Bayagau cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước cách tổ chức khoa học, hiệu quả của Năm APEC 2017, đồng thời khẳng định “sẽ học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam để chuẩn bị cho công tác tổ chức APEC 2018”.

Với công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, cùng những dấu ấn về nội dung của các hội nghị lớn, nhỏ, Năm APEC Việt Nam 2017 đã khép lại thành công, một lần nữa chứng tỏ Việt Nam là đối tác tin cậy, trách nhiệm ở khu vực và quốc tế.