Hiệu quả lớn nhờ áp dụng công cụ cải tiến năng suất
Việc áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã không còn quá xa lạ đối với doanh nghiệp tại Việt Nam. Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… đem lại hiệu quả cao.
Ngay từ năm 2016, nhờ áp dụng công cụ cải tiến mà cụ thể là 5S đến nay, Công ty Cổ phần cơ khí chính xác Smart Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Hiện các sản phẩm của Smart đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới và đã khẳng định được vị trí trên trường quốc tế.
Công ty Cổ phần cơ khí chính xác Smart Việt Nam chỉ là một trong rất nhiều các doanh nghiệp đang áp dụng các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Theo đánh giá, các chương trình cải tiến năng suất chất lượng đã trở thành hoạt động được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng và đều là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Mặt khác, việc áp dụng các công cụ cải tiến này còn giúp doanh nghiệp tăng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Việc áp dụng các giải pháp quản lý tiên tiến đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu do đáp ứng các điều kiện về quản lý và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước xuất khẩu đến đồng thời kiểm soát được các quá trình nội bộ liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường, an toàn và sức khỏe.
Đơn cử như việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất như: Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) giúp doanh nghiệp hình thành được phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với các nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí. Trong khi đó, đối với BSC lại là công cụ cải tiến hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát tốt mục tiêu chiến lược và quá trình hoạt động thông qua hệ thống KPIs, từ đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Còn việc áp dụng bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Từ đó, giúp doanh nghiệp hợp lý hoá chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, với việc thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng tại các doanh nghiệp, nâng tỷ lệ đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng của doanh nghiệp, góp phần nâng mức đóng góp của tăng TFP đạt 30% của tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào năm 2015; đạt mức 40,5% cho giai đoạn 2016-2020, vượt mục tiêu 35% đề ra của Chương trình (khi bắt đầu Chương trình, mức đóng góp được xác định là khoảng 20% cho giai đoạn 1996-2005).
Có thể nói, việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội như doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận; người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý; người lao động gia tăng thu nhập; Chính phủ tăng nguồn thu từ thuế. Không chỉ với doanh nghiệp, việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất còn giúp góp phần gia tăng năng lực, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức tư vấn năng suất lao động.
Cụ thể, đối với tổ chức tư vấn năng suất lao động, việc tham gia triển khai các nhiệm vụ của dự án đã góp phần tăng cường năng lực của bản thân các đơn vị tư vấn, đồng thời phát triển mạng lưới, gắn kết các tổ chức có liên quan như: các hiệp hội ngành, hiệp hội doanh nghiệp, viện, trường, các cơ quan quản lý dự án năng suất chất lượng bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp, giúp các đơn vị tăng cường năng lực, kinh nghiệm, phát triển dịch vụ về hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng.