Hiệu quả thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhìn từ Vinashin

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việc kết thúc thí điểm chuyển đổi mô hình hai tập đoàn là Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam vào cuối năm ngoái, thì nay, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến chuyển đổi mô hình tổ chức của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) hoạt động theo mô hình Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Vậy hoạt động tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế với việc kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn nói lên điều gì về hiệu quả thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế? Xu hướng sắp tới của các tập đoàn sẽ ra sao… Đây là nội dung trao đổi với Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành.

Hiệu quả thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhìn từ Vinashin - Ảnh 1
TS. Võ Trí Thành
Với thực tế thua lỗ và nợ nần của Vinashin vừa qua, Ông đánh giá thế nào về đề xuất chuyển đổi mô hình từ tập đoàn về mô hình Tổng công ty của đơn vị này?

Ông Võ Trí Thành: Điều này cũng không quá khó hiểu, việc chuyển đổi về Tổng công ty thì xử lý tốt hơn được hai vấn đề: một là năng lực quản trị phù hợp với quá trình chuyển đổi, hai là việc chuyển đổi cũng tạo những điều kiện thuận lợi nhất định trong tái cơ cấu lại tài chính nợ của Vinashin, nhưng quan trọng hơn là câu chuyện đằng sau.

Cuối năm 2012, đã có hai đơn vị xin kết thúc thí điểm. Vậy, Ông đánh giá thế nào về mô hình tập đoàn kinh tế đang tồn tại hiện nay và tính hợp lý ra sao, có thực sự là các quả đấm thép hay không? 

Nếu nói một cách tổng thể, ngoại trừ một vài tập đoàn, nói chung tất cả tập đoàn kinh tế nhà nước còn xa mới có thể coi là lực lượng dẫn dắt cho sự phát triển kinh tế. Điều này thì chúng ta đã biết. Tại sao như vậy, vì đối với các doanh nghiệp Nhà nước hay là sở hữu Nhà nước thì bao giờ cũng tồn tại những vấn đề rất căn nguyên. Ví dụ như xung đột lợi ích, rủi ro đạo đức, sử dụng tạm gọi là “tiền chùa”. Và khi tập đoàn này càng lớn, vươn ra nhiều lĩnh vực thì rủi ro về nguy cơ lại càng lớn. Bên cạnh đó năng lực quản trị cũng chưa thể đáp ứng kịp thực tế, dù rằng khá nhiều tập đoàn bộ máy quản trị có kinh nghiệm trong nhiều năm. Và cuối cùng là việc các tập đoàn quá lớn, quá nhiều lĩnh vực cộng với các rủi ro như vậy, thì việc giám sát tập đoàn trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Hiện nay việc các tập đoàn có sở hữu chéo rất nhiều lĩnh vực không phải là hiếm. Đấy chính là những nguyên nhân cho thấy việc tạo ra các tập đoàn rất khó có khả năng tạo được một sự dẫn dắt phát triển cho thị trường mà trong rất nhiều trường hợp nó lại nhân mạnh hơn những yếu kém nội tại vốn có thường thấy của một doanh nghiệp Nhà nước, của sở hữu nhà nước.  

Khi đề nghị kết thúc thí điểm hai tập đoàn của ngành Xây dựng, lãnh đạo Bộ Xây dựng có nói rằng, việc này sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các tổng công ty trực thuộc tập đoàn. Vậy có thể hiểu là ngoài yếu tố tích cực thì phải chăng mô hình tập đoàn cũng tạo ra sự chưa bình đẳng giữa các công ty mẹ con?

Tôi nghĩ, ở đây có hai chuyện, chuyện lớn hơn là việc xử lý các tập đoàn, đặc biệt là các tập đoàn yếu kém nằm trong tổng thể về cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước từ vấn đề đại diện quyền sở hữu đến vấn đề Nhà nước có cần can thiệp trong lĩnh vực ấy không, hay đến các vấn đề tái cấu trúc lại bản thân từng doanh nghiệp. Câu chuyện cuối cùng là tái cấu trúc từng doanh nghiệp thì việc tạm gọi là phân nhỏ để nêu khả năng cạnh tranh cao hơn thực ra vẫn là câu hỏi, vì bản chất đằng sau, nếu các công ty này không ở trong môi trường thị trường cạnh tranh đúng nghĩa, thì hiện tại cũng có thể có sự cải thiện nhất định. Nhưng trong nhiều trường hợp đó không phải là cải cách căn bản, vì đại diện và chủ vẫn là nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước có thể cạnh tranh với nhau, cho nên một lần nữa phải được đặt trong tổng thể cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, lớn hơn là câu chuyện nhìn ở từng tập đoàn tách nhỏ các công ty con có thể cạnh tranh với nhau, cho dù đây có thể là một bước đi ngắn. Nhưng theo tôi đây không phải là vấn đề cơ bản trong xử lý các tập đoàn mà chúng ta trao đổi. Việc xử lý và cơ cấu lại tập đoàn phải nằm trên ba nền tảng gồm cơ cấu lại nợ, cơ cấu tài chính. Tôi không muốn gọi là cơ cấu danh mục sản phẩm mà gọi là chiến lược phát triển và nó đặt trong tổng thể vai trò can thiệp nhà nước, tức là bộ máy cơ cấu quản trị doanh nghiệp.

Thưa ông, khi chúng ta chuyển từ mô hình tập đoàn về tổng công ty thì điều đó là điều tích cực hay tiêu cực?  

Tôi cho rằng đây là bước đi tích cực. Tích cực ở chỗ là vừa phải hơn trong tương quan giữa năng lực quản trị và sản xuất kinh doanh, quy mô sản xuất kinh doanh và ở đây nó cũng tích cực hơn trong bước đi để cơ cấu lại tài chính cơ cấu lại nợ rõ ràng minh bạch gọn ghẽ hơn. Nhưng đây chỉ là một bước quá độ, để cải tổ lại doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn thì đòi hỏi vấn đề lớn hơn rất nhiều. Chúng ta đã trao đổi việc can thiệp của Nhà nước đến đâu. Cơ cấu lại tài chính và đặc biệt gắn với bộ máy nhân sự cũng như chiến lược phát triển mới thì có thể đặt trong môi trường Việt Nam hội nhập mạnh hơn, cạnh tranh mạnh hơn kể cả trong nước và ngoài nước rất cần đối tác chiến lược. Qua đó chuyển giao công nghệ kỹ năng quản lý phù hợp với chiến lược bộ máy nhân sự mới.

Vậy sự khác biệt rõ ràng đây là vấn đề gì, thưa ông?

Đầu tiên là quy mô, thứ hai là tầng lớp cấu trúc quản trị cũng khác. Từ chỗ tập đoàn các tổng công ty thì bây giờ chuyển thành tổng công ty rõ ràng gọn hơn. Thứ ba là mô hình tổng công ty, mô hình các doanh nghiệp nhà nước trải nghiệm hơn chục năm, bắt đầu thành lập từ đầu năm 1990. Nhưng với mô hình tổng công ty cũng không phải là ít vấn đề. Như vậy chúng ta phải quay lại câu chuyện rất căn nguyên về cải tổ, cải cách doanh nghiệp nhà nước mà ta đã trao đổi.

Thưa ông, theo kinh nghiệm của Indonesia trong chống khủng hoảng và xử lý nợ xấu, tái cấu trúc nền kinh tế vào cuối những năm 90 và đầu năm 2000, thì bài học lớn nhất chính là tính quyết liệt và thời gian cũng như tốc độ chính là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải giá trị đồng vốn giữ. Ông có sự so sánh gì giữa việc chúng ta đang làm với kinh nghiệm của Indonesia?

Bản chất tái cấu trúc tài chính đối với các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước nằm ở hai khía cạnh cơ bản. Thứ nhất là thoái vốn khỏi các lĩnh vực mà rủi ro cao hoặc không nhằm mục tiêu của chủ sở hữu Nhà nước. Thứ hai, tái cấu trúc tài chính là tái cấu trúc các khoản nợ về cơ bản là các chủ nợ. Câu hỏi đặt ra cơ bản ở đây là chúng ta muốn gì ở doanh nghiệp hay đồng vốn trong tương lai, quan trọng nhất là như vậy. Giá trị của đồng vốn hiện tại không phải là quan trọng nhất. Giá trị chính chúng ta nhanh chóng chuyển được đồng vốn ấy, giá trị đồng vốn ấy có thể thấp hơn, gắn với đối tác chiến lược, gắn với tái cấu trúc lại chiến lược phát triển... Chính trong tương lai đồng vốn ấy sẽ tạo ra giá trị tốt hơn, như vậy câu chuyện về thời gian sẽ là vấn đề là quyết liệt hơn là vấn đề so kè giá trị đồng vốn. Tất nhiên bên cạnh đấy quá trình giám sát vấn đề minh bạch hóa phải làm cho tốt.

Với diễn biến quá trình tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế trong thời gian qua, Ông đánh giá thế nào về tiến độ, hiệu quả tái cơ cấu của các đơn vị?

Cho đến nay, ngay cả trường hợp Vinashin cho thấy, việc lựa chọn chiến lược tái cấu trúc mà không đúng, càng kéo dài thời gian thì càng gây ra khó khăn và tổn thất không cần thiết. Lần nữa lại gióng lên hồi chuông là chúng ta cần quyết liệt và khẩn trương trong công việc này. Cho đến nay cách làm cơ bản tái cấu trúc các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước là thực hiện từ dưới lên, trên cơ sở khung chỉ dẫn chung của Bộ Tài chính chẳng hạn, chúng tôi muốn nhìn thấy hơn bên cạnh việc thực hiện từ dưới lên thì rất cần sự mạnh mẽ quyết liệt từ trên xuống. Ở đây có đầy đủ hoàn toàn căn cứ pháp lý và căn cứ hành chính cần thiết, kể cả về kinh tế để làm việc này vì lý do nhà nước là chủ sở hữu cho nên nhà nước có quyền áp đặt để mà thực hiện. Cùng những thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận và cách làm như vậy thì chúng ta hy vọng quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp của nhà nước, tái cấu trúc các Tập đoàn mới được đẩy nhanh và có tính quyết liệt hơn.

Theo ông, những tập đoàn như thế nào thì nên chuyển đổi mô hình sẽ hợp lý hơn?

Theo tôi thì đến năm 2020, số doanh nghiệp hay tập đoàn Nhà nước mà 100% vốn của nhà nước sẽ còn rất ít, trước mắt phải tập trung vào tái cấu trúc nó. Vì để càng lâu thì khó khăn, chi phí càng lớn, ngay cả với tập đoàn hay tổng công ty nhà nước hiện nay tạm gọi là ăn nên làm ra thì chúng ta vẫn cần nhìn nhận lại. Từ quan niệm sự can thiệp của Nhà nước, chúng ta phải nhớ rằng kể cả những doanh nghiệp làm ăn có lãi thì lãi ấy có phải là xứng đáng trong môi trường cạnh tranh và sẽ tốt hơn nữa khi ở trong môi trường cạnh tranh. Vậy nó quay lại vấn đề rất căn cơ của Nhà nước và vai trò Nhà nước. Tất nhiên đối với Việt Nam trong bối cảnh chính trị hiện nay, những doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng thì có lẽ trong thời gian khá dài trước mắt Nhà nước vẫn cần nắm giữ 100%.

Đấy là quan điểm mà tôi nghĩ trong chừng mực nhất định đã được thể hiện trong ý đồ tái cơ cấu, tái cấu trúc trong tập đoàn doanh nghiệp nhà nước lần này, nó lớn hơn câu chuyện từng tập đoàn, từng doanh nghiệp thu nhỏ cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt.

Xin cảm ơn Ông!