Hiệu ứng giảm lãi suất đang lan tỏa
Việc các ngân hàng (NH) lớn tiên phong giảm lãi suất đã tạo hiệu ứng tích cực đến toàn thị trường. Các NH cỡ nhỏ hơn nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi buộc phải tính toán đến việc giảm lãi suất để cạnh tranh, giữ khách hàng.
Điểm nhấn lãi suất
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2018, Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2018, điều hành lãi suất phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi để TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay…
Đối với vấn đề này, người đứng đầu NHNN đã định hướng ngay từ đầu năm 2018, ngành NH tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Theo định hướng trên, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh linh hoạt lãi suất trên OMO để hỗ trợ TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay với thời điểm và liều lượng phù hợp.
Ngay tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc, 4 NHTM Nhà nước Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đã quyết định điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Một số NHTMCP cũng hưởng ứng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Và cũng ngay sau Hội nghị, trên cơ sở cân đối tổng thể cung - cầu, NHNN đã điều chỉnh giảm mức niêm yết lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay. “Hàng loạt động thái điều chỉnh chính sách quan trọng trong 2 tháng đầu năm cho thấy, giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được xem là một nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống NH trong năm 2018”, một chuyên gia nhận định.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 -11%/năm đối với trung và dài hạn. Theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đây cũng là mặt bằng lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Hồi đầu năm, trao đổi với phóng viên, một thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đánh giá, lãi suất và tỷ giá là những yếu tố sẽ chịu nhiều áp lực nhất trong năm nay do kinh tế thế giới biến động khó lường có thể tác động gây bất ổn lên kinh tế trong nước. “Việc tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay cũng được đánh giá là nỗ lực lớn của hệ thống NH trong thời gian qua khi vẫn đang phải giải quyết cùng lúc nhiều việc lớn như tái cơ cấu, xử lý nợ xấu...”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Câu hỏi đặt ra là thời gian tới các NH còn dư địa để giảm lãi suất cho vay hay không. Một trong những yếu tố tác động khá nhiều đến chi phí đầu ra của các NH đó là lãi suất huy động được TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định là có cơ hội ổn định và giảm nhẹ trong năm 2018.
“Khi đánh giá đường đi lãi suất tôi luôn xem bên chính sách tài khóa. Hiện tại lợi suất của TPCP đang giảm xuống ở tất cả các kỳ hạn có nghĩa là mặt bằng lãi suất TPCP đang ở mức thấp, tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất huy động của các NH. Thời gian qua NHNN rất chủ động linh hoạt bơm hút tiền, đảm bảo thanh khoản dồi dào, hỗ trợ đáng kể cho hệ thống giúp các NH giữ được ổn định mặt bằng lãi suất”, TS. Hiếu đưa ra quan điểm.
Bên cạnh đó, các NH yếu kém - những “kẻ phá bĩnh” trong nỗ lực duy trì ổn định lãi suất đang có điểm tựa tích cực khi cuối tháng 1/2018 Thông tư số 01/2018/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD chính thức có hiệu lực. Thông tư này tạo cơ sở pháp lý rõ ràng giúp các TCTD yếu kém có cơ hội vay nguồn vốn ưu đãi từ NHNN với lãi suất 0% theo Đề án tái cơ cấu được phê duyệt. Đây được xem là quyết sách quan trọng cho Đề án tái cơ cấu ngành Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo đồng thời giảm phần nào áp lực tăng lãi suất hút vốn của các NH yếu kém. Từ đó, các NH yếu kém này cũng có cơ hội giảm lãi suất huy động đầu vào.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc một NHTMCP đang trong diện tái cơ cấu cho biết: trong tháng tới NH này sẽ giảm lãi suất huy động nhưng chưa giảm được lãi suất cho vay ngay do vẫn còn mắc vốn huy động lãi suất cao từ năm ngoái. Sau tết nguồn vốn huy động của NH đã dồi dào hơn, chuẩn bị nguồn cho tín dụng tốt nên NH mới có điều kiện để giảm lãi suất đầu vào, sau đó tính toán giảm lãi suất cho vay.
Thực tế, việc các NH lớn tiên phong giảm lãi suất đã tạo hiệu ứng tích cực đến toàn thị trường. Các NH cỡ nhỏ hơn nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi buộc phải tính toán đến việc giảm lãi suất để cạnh tranh, giữ khách hàng. “Tất nhiên, không thể đòi hỏi cả hệ thống đều phải giảm cùng một mức bởi nếu sòng phẳng thì các NHTMCP không thể đọ được nguồn vốn dồi dào với lãi suất thấp đối với các NH quốc doanh được. Nhưng với sự cạnh tranh khách hàng tốt ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết thì các NH phải đảm bảo mức lãi suất tốt để giữ chân khách hàng”, vị CEO NH trên bình luận về xu hướng lãi suất trong thời gian tới.
Theo Tổng giám đốc VietinBank TS. Lê Đức Thọ thời gian tới, mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục giảm nhưng tùy từng lĩnh vực và tùy từng NH. các NHTM Nhà nước đã tiên phong giảm lãi suất nên không còn nhiều dư địa để giảm thêm. Khối NHTMCP có dư địa giảm lãi suất tốt hơn. Nhưng theo quan điểm của vị CEO này, xu hướng lãi suất giảm nhưng chắc chắn có chọn lọc. Khách hàng tốt luôn có chính sách ưu đãi tốt hơn. “Có những DN được vay với lãi suất thấp hơn khá nhiều so với trần lãi suất cho vay. Nhưng có những DN vẫn phải áp dụng theo quy định chung. Hiện tại, NH này sẵn sàng cho vay DN với lãi suất chỉ khoảng 5%/năm thậm chí có thể thấp hơn mức này tùy thuộc vào năng lực tài chính cũng như giao dịch khác của khách hàng tại NH”, vị này chia sẻ thêm.
Mặc dù cơ quan quản lý đưa ra thông điệp tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ TCTD thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính nhưng lãnh đạo một NH thẳng thắn thừa nhận, NH hoạt động theo nguyên tắc thương mại do đó muốn vươn lên phải dựa vào chính chất lượng hoạt động của mình chứ không nên chỉ trông chờ vào “bầu sữa” mẹ.