Hình thành mạng lưới doanh nghiệp nội địa tiềm năng


Chủ động hợp tác quốc tế ở 2 nội dung: Nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng đã góp phần giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là các phân ngành cơ khí, điện tử, dệt may, da giày…

Đến nay, số doanh nghiệp nội địa đã được tư vấn cải tiến đến nay là 98 doanh nghiệp.
Đến nay, số doanh nghiệp nội địa đã được tư vấn cải tiến đến nay là 98 doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh

Thời gian qua, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.

Với Hàn Quốc, triển khai các nội dung hợp tác tại Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2 giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), Cục Công nghiệp và Viện Công nghệ cao Hàn Quốc đã phối hợp xây dựng nên Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK).

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng đang trong quá trình thảo luận với Bộ MOTIE về phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Hàn Quốc (KOAMI) thành lập Trung tâm công nghệ máy móc Việt Nam - Hàn Quốc (VKMTC) tại TP. Hồ Chí Minh.

Với Nhật Bản, Cục Công nghiệp phối hợp với đại diện phía Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong những năm tới.

Phía Nhật Bản sẽ triển khai các dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt nam, như: Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do JICA thực hiện; Chương trình “Đào tạo cho các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam” do tổ chức hợp tác kỹ thuật nước ngoài và đối tác bền vững  thực hiện. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ cử một số chuyên gia hỗ trợ các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp thuộc Cục Công nghiệp trong công tác vận hành và nâng cao nguồn nhân lực.

Trong dự án Hỗ trợ nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, Tổ chức Tài chính Quốc tế hỗ trợ Cục Công nghiệp trong công tác xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ thông qua việc cố vấn kỹ thuật nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.

Tháng 6/2020, hệ thống cơ sở dữ liệu này đã được khai trương. Hệ thống giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thống kê và hoạch định chính sách. Hiện nay, hệ thống có gần 3.500 doanh nghiệp tiêu biểu thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may và da giầy và được cập nhật, bổ sung.

Hình thành mạng lưới doanh nghiệp nội địa tiềm năng

Nhằm mục đích đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh kỹ thuật khuôn mẫu cho doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khuôn mẫu Việt Nam trong khuôn khổ Kỳ họp Ủy Ban Hỗn hợp kỳ thứ 9 tại Hàn Quốc. Mục tiêu của Dự án là đào tạo 200 kỹ sư trong lĩnh vực khuôn mẫu trong 4 năm 2020-2023.

Trước đó, từ năm 2015 đến nay, hai bên nhiều lần triển khai chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam do các chuyên gia Samsung Hàn Quốc thực hiện. Số doanh nghiệp nội địa đã được tư vấn cải tiến đến nay là 98 doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc chương trình hợp tác cải tiến với các tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Hai bên cũng triển khai các chương trình triển lãm (Sourcing fair) trưng bày và tìm kiếm nhà cung cấp hàng năm nhằm hình thành một mạng lưới các doanh nghiệp nội địa tiềm năng. Hiện nay, Samsung đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp, không chỉ với các nhà cung ứng cấp 1 mà còn với các nhà cung ứng cấp 2 hoạt động đa dạng trong nhiều ngành nghề và sản phẩm.

Trước đây các nhà cung cấp chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất bao bì, sản phẩm ép nhựa thì nay đang chuyển dần sang lĩnh vực điện, điện tử, thiết bị mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Với IFC - World Bank, hai bên triển khai Chương trình thí điểm Phát triển nhà cung cấp (SDP) dưới sự tài trợ bởi Quỹ Thịnh Vượng Anh Quốc và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ. Chương trình được xây dựng nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương trình có sự tham gia của 8 tập đoàn đa quốc gia (Ford, Canon, Toyota, Panasonic, Denso, Bosch, GE và Schneider Electric) và 45 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo thông qua hai giai đoạn.

Chủ động hợp tác quốc tế ở 2 nội dung: Nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng đã góp phần giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là các phân ngành cơ khí, điện tử, dệt may, da giày…

Theo tapchicongthuong.vn