Hồ tiêu vào vòng xoáy “trồng - chặt”

Theo Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn

Sau một thời gian dài ở mức giá cao, nông dân nhiều vùng trồng tiêu đã đổi đời. Vậy nhưng, từ cuối 2017, giá tiêu đột ngột đảo chiều, giảm gần chạm đáy. Vẫn biết đây là hệ quả của việc phát triển quá “nóng” nhưng cuối cùng như nhiều loại cây trồng khác, tiêu lại rơi vào vòng luẩn quẩn “chặt - trồng”.

Hình ảnh người dân phá vườn tiêu được chia sẻ trên mạng xã hội. Nguồn: internet
Hình ảnh người dân phá vườn tiêu được chia sẻ trên mạng xã hội. Nguồn: internet

“Nóng” từ mạng xã hội đến thực tế

Thời gian gần đây, trong các nhóm cùng sở thích trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video, hình ảnh chia sẻ việc phá bỏ vườn tiêu để chuyển sang cây trồng khác. Gần đây nhất, một tài khoản Facebook ở Thừa Thiên - Huế công khai hình ảnh phá vườn tiêu với lý do “giá giảm, thu không đủ bù chi nên chuyển sang trồng rau an toàn cho nhanh thu hồi vốn”.

Có thể người ta sẽ nghi ngờ về tính xác thực của mạng xã hội nhưng trên thực tế, ở một số nơi, nông dân đã rục rịch tính đến chuyện phá vườn tiêu.

Đơn cử như ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), sau khi giá chuối tăng trở lại, nông dân được mùa được giá, đã có người quyết định chặt tiêu, trồng chuối, quên ngay cơn khốn khó vì chuối không có người mua mới xảy ra năm ngoái, quên ngay những giọt nước mắt tiếc nuối vì chuối đổ xanh vườn, quên cả những đợt giải cứu của người dân từ Nam chí Bắc.

Ông Lầm Mã Phúc ở ấp Tân Thành, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) vừa quyết định đốn hạ 2 mẫu tiêu đang cho thu hoạch. Gia đình ông trồng vườn tiêu này được 6 năm, đã cho thu hoạch được 2 năm. Nhưng có lẽ ông không được hưởng nhiều từ “ánh hoàng kim” của hạt tiêu vài năm trước khi thời gian gần đây tiêu liên tục mất mùa, giá xuống thấp, chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg, chỉ bằng chưa tới 1/3 so với thời điểm “trên đỉnh”, giá tiêu trên dưới 200.000 đồng/kg.

Rõ ràng khi quyết định chặt tiêu, ông Phúc phải đặt hai loại cây lên bàn cân tính toán. Trồng tiêu phải mất vài năm mới cho thu hoạch, trong khi chi phí cây giống, phân bón, chăm sóc lớn hơn nhiều so với trồng chuối nên việc ông chặt một nửa diện tích tiêu cũng là điều dễ hiểu, bởi “nhiều người trồng chuối có giá, lợi nhuận cao, không trồng cũng tiếc”, ông Phúc lý giải.

Nhưng ông Phúc không phải là người duy nhất ở xã Thanh Bình đưa ra quyết định này. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Thanh Bình, diện tích tiêu toàn xã đã và đang giảm gần 100ha, thay vào đó là diện tích chuối già cấy mô. Tình trạng phá tiêu trồng chuối không còn xuất hiện đơn lẻ, hộ ít thì chặt vài sào, người nhiều đốn hạ hàng chục mẫu tiêu không thương tiếc.

Diện tích tiêu giảm thì đương nhiên chuối phải tăng, hiện, xã Thanh Bình có khoảng 400ha trồng chuối. Lý do chỉ vì, giá chuối đang ổn định ở mức cao, 13.000 - 14.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi hecta chuối nông dân có thu hàng trăm triệu đồng.

Phải tính đến thị trường

Diện tích hồ tiêu đã tăng chóng mặt dẫn đến “cung” vượt “cầu”, điều này là một thực tế không ai phải bàn cãi. Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đạt khoảng 50.000ha nhưng đến năm 2017, con số này đã lên tới 120.000 - 130.000ha, hệ lụy của một thời “nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu”

Theo ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, sở dĩ diện tích tiêu tăng chóng mặt những năm trước là do với Việt Nam, hồ tiêu là cây trồng lợi thế nhờ chất lượng tốt, năng suất cao hơn 2,5 - 3 lần so với bình quân chung của thế giới. Thời vụ thu hoạch hồ tiêu từ tháng 1-7, không trùng với thời gian thu hoạch của một số cường quốc về hồ tiêu như Indonesia, Malaysia.., nên rất thuận lợi trong tiêu thụ.

 Đó là chưa kể, từ năm 2006, diện tích hồ tiêu thế giới có xu hướng giảm do sâu bệnh, biến đổi khí hậu. Đây là một trong những lý do khiến giá tiêu liên tục phi mã, thời điểm năm 2015 đạt tới 200.000 đồng/kg, gấp 4 lần so với giá thành.

“Giá tiêu tăng chóng mặt là một thách thức lớn trong vấn đề thực hiện quy hoạch cây trồng ở các địa phương. Nhiều vùng trồng tiêu hình thành ngoài quy hoạch, đó là chưa kể bà con còn trồng xen tiêu trong vườn cà phê, diện tích trồng xen chiếm đến 15-20%”, ông  Đức nêu một thực tế.

Cũng theo ông Đức, ngay khi thấy hồ tiêu có dấu hiệu phát triển quá “nóng”, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có quy hoạch đến năm 2030 định hướng cho các địa phương về phát triển hồ tiêu. Năm 2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ra tiếp Chỉ thị 132 khuyến cáo các địa phương quản lý chặt diện tích tiêu hiện có, năm 2017, Bộ tiếp tục ra công văn nhắc nhở, yêu cầu kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 132.

Nhưng chỉ thị, định hướng của ngành chức năng không thể “mạnh” bằng sức hút của thị trường. Tâm lý nóng vội đương nhiên khiến nông dân không thể ngồi yên, người ta phá cà phê, điều, thậm chí cả... rừng để trồng tiêu.

Bây giờ khi giá tiêu chạm đáy, một số cây trồng khác lên ngôi, đương nhiên người ta cũng không thể ngồi yên.

Theo ông Lê Văn Đức, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong vấn đề phát triển hồ tiêu là ngừng mở rộng, không tái canh với diện tích già cỗi. Xác định cây trồng phù hợp để chuyển đổi diện tích hồ tiêu không phù hợp, giảm diện tích trồng xen.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi thay vì sản xuất đơn lẻ “hộ nào biết hộ nấy” nhằm dễ dàng chia sẻ thông tin, phương pháp canh tác, cách đối phó dịch bệnh... “Các hộ nên thành lập tổ canh tác hoặc hợp tác xã để đảm bảo việc kết nối đầu ra cho tiêu cũng như nguyên liệu đầu vào sản xuất. Xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng cho cây hồ tiêu”, ông Đức nói.

Trong một hội nghị về phát triển ngành hồ tiêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị ngành hồ tiêu không tăng mà phải giảm diện tích vì sản xuất là để hiệu quả chứ không phải chạy đua sản lượng.

Đề nghị các địa phương, cùng với các chính sách khuyến nông, phải kiên quyết tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức; không nên trồng nếu thấy không hợp, tiêu đã chết thì không trồng lại.

Tăng cường quản lý với vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ.

Trước đó, căn cứ hiện trạng sản xuất và dự báo cung cầu thế giới, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra 3 phương án quy hoạch diện tích hồ tiêu đến các mốc 2020, 2025 và 2030. Theo đó, phương án 1: tăng trưởng thấp; Việt Nam đáp ứng khoảng 35-40% thị trường thế giới. Phương án 2: phát triển ở mức trung bình, đáp ứng khoảng 41-45% thị phần thế giới. Phương án 3 là phát triển ở mức cao, đáp ứng 46 - 50% thị phần như hiện nay. Tương ứng, với phương án 1, diện tích hồ tiêu nước ta duy trì ở mức 70.000- 80.000ha, phương án 2 là 85.000-95.000 ha; phương án 3 là 100.000-115.000 ha.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Trồng trọt, với lợi thế về năng suất, công nghệ chế biến đang dần được cải thiện, Việt Nam hoàn toàn có thể chi phối và điều tiết được thị trường hồ tiêu thế giới. Mặc khác việc giảm sâu diện tích so với hiện nay sẽ khó khả thi, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống việc làm của người sản xuất.

Vì thế, ông Lê Văn Đức đề xuất: Nên duy trì ổn định diện tích trồng tiêu từ 100.000 - 120.000ha, nâng suất bình quân 2,5 -2,7 tạ/ha. Đến năm 2025, diện tích là 110.000 ha, giữ ổn định đễn 2030.