Bộ Tài chính:

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP


Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 440/QĐ-BTC về Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Công tác tuyên truyền, phổ biến; xây dựng pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực là nội dung quan trọng của Kế hoạch.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với một số cơ quan xây dựng các gói hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội mang lại từ thực thi Hiệp định. Nguồn: Internet
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với một số cơ quan xây dựng các gói hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội mang lại từ thực thi Hiệp định. Nguồn: Internet

Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam, tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, còn hạn chế về nhiều mặt.

Theo Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với một số cơ quan xây dựng các gói hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội mang lại từ thực thi Hiệp định.

Cụ thể, trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tài chính sẽ xây dựng nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu theo quy định của CPTPP với quy trình, thủ tục rút gọn; Thành lập Tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng nghị định quy định xác minh xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu, hợp tác hải quan và giám sát hải quan; Xây dựng thông tư quy định về xuất xứ trong CPTPP liên quan đến thực thi của cơ quan hải quan.

Đối với nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn năng lực, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để tận dụng cơ hội và lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do; xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ chứng khoán, bảo hiểm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng Đề án tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương trong các vụ việc phòng vệ thương mại; sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của hiệp định hoặc các cơ chế khác khi cần thiết trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại hàng hóa Việt Nam…

Bộ Tài chính yêu cầu, căn cứ vào Kế hoạch này, các đơn vị thuộc Bộ chủ động xây dựng và chi tiết hóa các nội dung công việc thuộc trách nhiệm đơn vị mình. Các đơn vị chủ trì có trách nhiệm chủ động triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong CPTPP và các cam kết hội nhập khác.