Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khôi phục hoạt động sản xuất

Theo Mỹ Thanh/ Báo Cần Thơ

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên đã làm cho việc vận chuyển, thu hoạch, tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Nông sản có mặt tại một siêu thị 0 đồng trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Ảnh: Mỹ Thanh
Nông sản có mặt tại một siêu thị 0 đồng trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Ảnh: Mỹ Thanh

Ở khâu chế biến, tiêu thụ nông sản doanh nghiệp hụt hơi với phương án sản xuất “3 tại chỗ” vì chi phí đầu vào tăng trong khi lợi nhuận thu về không tương xứng. Thực tế này đòi hỏi các địa phương trong vùng phải nhìn nhận lại những cái được và chưa được của các giải pháp phòng, chống dịch thời gian qua; đồng thời thúc đẩy mối liên kết nội vùng để vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả vừa giảm thiểu thiệt hại mà nông dân, doanh nghiệp phải gánh chịu.

Giải tỏa điểm nghẽn

Thời điểm này, một số địa phương vùng ĐBSCL đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Vì vậy, việc từng bước nới lỏng giãn cách, kết nối trở lại giữa các tỉnh để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản thông suốt là hết sức cấp bách.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chỉ riêng trong tháng 9/2021, các địa phương trong vùng ĐBSCL phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa; hằng tháng có khoảng 400.000 tấn trái cây các loại và 250.000 tấn rau cần tiêu thụ.

Điều này cho thấy, giải quyết đầu ra cho nông sản đã và đang tiếp tục là vấn đề cấp bách. Hiện nay, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản phải tính trên cục diện của cả vùng. Bởi các nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu có sự đan xen nhau giữa các tỉnh, thành; mặt khác giao thương hàng hóa nông sản trong nội vùng khá lớn.

Nhiều địa phương trong vùng phản ánh, phương án sản xuất theo “3 tại chỗ” qua thời gian thực hiện bộc lộ nhiều bất cập và khó duy trì lâu dài. Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết: Quá trình chống dịch, tỉnh đã đưa ra nhiều kịch bản ứng phó, tuy nhiên trên thực tế triển khai lại phát sinh nhiều vấn đề không tương thích với các kịch bản đề ra.

Đơn cử, mô hình sản xuất “3 tại chỗ” đang triển khai trên các cơ sở giết mổ chăn nuôi là không phù hợp và cần xem xét để chấn chỉnh kịp thời. Bởi không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn con người cũng như vấn đề môi trường. Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Long An đã triển khai tiêm vaccine mũi 1 đạt gần 100% dân số, nên chăng áp dụng thẻ xanh, vàng để doanh nghiệp bắt tay khôi phục sản xuất; đồng thời xem xét lại vai trò của thương lái vì thực tế khi họ rút lui khỏi thị trường để lại hậu quả lớn với phân phối, tiêu thụ nông sản. 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh: Phương án sản xuất “3 tại chỗ” hay “4 tại chỗ” không thể kéo dài vì bất tiện và chi phí cao. Để sớm khôi phục sản xuất, các tỉnh trong vùng cần có sự thống nhất quan điểm liên kết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ dịch vụ từ tỉnh này qua tỉnh khác thu hoạch, không phải mất thời gian xin phép lại từ đầu bởi nông sản thì chỉ cần thu hoạch chậm nửa ngày hoặc một ngày là chất lượng đã khác. Về các giải pháp phục hồi kinh tế nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng cần rà soát, thống kê lại xem người dân, doanh nghiệp thiệt hại như thế nào, mong muốn của họ ra sao thì mới có giải pháp toàn diện được.

Tiếp sức cho doanh nghiệp, nông dân

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - UBND TP. Cần Thơ đã giao Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp phối hợp với Sở Công Thương TP. Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ tiến hành tái kiểm tra, đối thoại với các doanh nghiệp trước đây phải tạm dừng hoạt động do chưa đảm bảo “3 tại chỗ”.

Nếu các doanh nghiệp này bây giờ đã đảm bảo phương án vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch hiệu quả thì sẽ xem xét cho hoạt động trở lại. TP. Cần Thơ đã xây dựng phương án, lộ tình cụ thể từng bước phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát dịch trên địa bàn, đặc biệt là phương án tổ chức sản xuất, chế biến, vận chuyển nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh giữa các địa phương. Thành phố cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp đề xuất những mô hình sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh: một cung đường nhiều điểm đến xanh, cung đường xanh…

Song song đó, TP. Cần Thơ cũng từng bước mở lại chợ truyền thống; kết nối tiêu thụ thông qua các hệ thống phân phối lớn; mở thêm siêu thị, chợ 0 đồng nhằm góp phần cung cấp lương thực cho người dân cũng như hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Việc bơm vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng ĐBSCL sớm phục hồi cũng đang được tính đến, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh: ĐBSCL là vựa lúa, thủy hải sản của cả nước, do đó kể cả khi chưa có dịch bệnh xảy ra, ĐBSCL vẫn là đối tượng cần những chính sách hỗ trợ cụ thể, khác biệt với các vùng khác.

Ngày 7/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã giải quyết căn cơ cho cơ chế ưu tiên, nguồn lực cho vùng. Với diễn biến phức tạp của dịch trên diện rộng, mới đây, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN (ngày 7/9/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (ngày 13/3/2020) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chúng tôi nhận định, nếu tháng 9 này, kinh tế cơ bản phục hồi thì Thông tư số 14  cơ bản xử lý được những khó khăn của doanh nghiệp. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn, ngành Ngân hàng sẽ cập nhật chính sách kịp thời để đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân tháo gỡ khó khăn.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Sự lúng túng, thiếu thống nhất trong công tác phòng, chống dịch ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL làm chúng ta phải suy nghĩ về tư duy liên kết vùng. Rõ ràng, các địa phương trong vùng không xem ĐBSCL là một thực thể, một hệ thống mà vẫn phân chia theo địa giới hành chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các cuộc họp gần đây đã phát tín hiệu chúng ta chắc chắn phải chuyển nền kinh tế sang vận hành trong điều kiện bình thường mới, sống chung với COVID-19. Nhưng muốn sống chung với dịch trước hết chúng ta phải sống chung với nhau.

Thay vì giữ tư duy “chính quyền kiểm soát, doanh nghiệp tuân thủ”, các bên nên ngồi lại với nhau để cùng kiến tạo ra một không gian phát triển an toàn, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh theo đặc thù của doanh nghiệp; cùng đổi vai cho nhau để thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ khó khăn của nhau để cùng vượt qua thách thức của dịch bệnh.