Gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản
Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của nước ta sang thị trường EU tăng 20%, đạt trên 486 triệu USD, trong đó, xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác tăng 24%, đạt 154 triệu USD, chiếm 32%; thủy sản nuôi trồng tăng 18%, đạt 333 triệu USD, chiếm 68%. Đây là kết quả rất khả quan, nhưng theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những tháng cuối năm sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng này.
Lý do là bởi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, trong đó có 19 tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực trọng điểm về sản xuất và xuất khẩu đã khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản cả nước giảm 15 - 20% từ nửa cuối tháng 7 so với nửa đầu tháng, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng 7 giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 763 triệu USD.
Đặc biệt, vấn đề "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) từ tháng 10/2017 do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sẽ khiến xuất khẩu thủy sản sang EU càng khó khăn hơn, ước tính chỉ đạt khoảng 600 triệu USD.
Thống kê cho thấy, "thẻ vàng" của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của nước ta sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Cụ thể, so sánh kết quả xuất khẩu sau 2 năm (2017 - 2019) chịu tác động từ "thẻ vàng" của EC, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.
Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020 do chịu tác động của dịch COVID-19, "thẻ vàng" của EC và Brexit khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.
Trong Báo cáo Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cũng chỉ rõ, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các Quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU. Trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản nước ta sẽ là lệnh cấm thương mại nếu không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU.
Và nếu điều này xảy ra, ước tính ngành thủy sản sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm vì mất thị trường EU. Ngoài ra, việc này còn có tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng vì uy tín giảm sút, các chi phí kiểm soát hải quan tăng và đặc biệt là không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài 2 - 3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản, khai thác thủy sản cũng sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của nước ta về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. EU hiện cũng là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của nước ta. Kinh tế các nước EU cũng đang phục hồi bởi những chuyển biến tích cực sau Chương trình tiêm phòng vắc xin và các gói hỗ trợ nên nhu cầu nhập khẩu thủy sản bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh từ tháng 3, dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng cơ hội nêu trên, điều quan trọng là có các giải pháp để ngành thủy sản gỡ "thẻ vàng" của EC, đồng thời có kế hoạch phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7 - 9% và đạt kim ngạch xuất khẩu 16 -18 tỷ USD vào năm 2030.