Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chiếm lĩnh thị trường
Các loại trái cây đặc sản của Việt Nam đang được thị trường thế giới hồ hởi đón nhận thời gian gần đây sau khi nỗ lực vượt qua các rào cản.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung (ảnh), Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cần phải tích cực giảm thiểu chi phí mới thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Thưa ông, các phương tiện truyền thông gần đây đều loan tin thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam vào Mỹ ngày càng rộng mở. Vì sao?
- Cho đến nay, chúng ta đã có 4 loại trái cây vào được thị trường Mỹ gồm thanh long, chôm chôm, nhãn và vải thiều. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, khối lượng trái cây xuất khẩu vào Mỹ đã tăng gần gấp đôi so với những năm trước. Không chỉ riêng thị trường Mỹ mà tại nhiều thị trường khó tính với yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, đặc biệt là châu Âu… hiện trái cây xuất khẩu của Việt Nam đều gia tăng cả về lượng lẫn giá trị.
Đối với thị trường Australia, ngoài trái vải thiều đã được chấp nhận, hiện chúng ta đang đàm phám để đưa thêm xoài và cả thanh long sang thị trường này. Chúng ta đã xuất khẩu thanh long và xoài vào Nhật Bản, hiện chúng tôi đang nộp thêm cả hồ sơ cho vải thiều, nhãn, chôm chôm Việt Nam sang Nhật Bản. Thị trường Hàn Quốc đã có xoài của Việt Nam và chúng tôi đang đề xuất thêm vú sữa, vải thiều. Phía Hàn Quốc đang đánh giá đối với vú sữa Việt Nam ở công đoạn cuối cùng. Trong tháng 6-2016, chúng ta sẽ tiếp tục có cuộc đàm phán song phương với Mỹ để tiếp tục đưa xoài và vú sữa vào Mỹ. Tín hiệu xuất khẩu trái cây vào Mỹ hiện nay rất tiềm năng và rộng mở.
Ông Hoàng Trung
- Một trong những khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam là cùng với tiến trình hội nhập thị trường quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập TPP thông qua lộ trình giảm thuế dần về bằng 0% thì cũng đồng nghĩa với việc các nước nhập khẩu sẽ tăng điều kiện kiểm dịch và an toàn thực phẩm - gọi là rào cản kỹ thuật. Do đó, để hồ sơ một loại trái cây được một quốc gia chấp nhận có khi phải mất tới 10 năm, nhanh là 1 năm, trung bình thì 3-4 năm.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo chúng tôi phải tập trung cho việc tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thông qua cải cách thủ tục hành chính và sản xuất nông sản an toàn. Hiện chúng ta đang có khoảng 10 loại trái cây tiềm năng và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, thông qua đàm phán, thực hiện được hồ sơ thủ tục cho loại trái cây nào là làm ngay để dọn sẵn đường cho doanh nghiệp tránh gặp phải các rào cản sau này, dù hiện tại doanh nghiệp chưa có đủ năng lực xuất khẩu đối với loại trái cây đó.
Về rào cản kỹ thuật thì hiện nay doanh nghiệp của chúng ta có đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định khắt khe mà các nước nhập khẩu đang áp dụng?
- Các tiêu chuẩn mà những nước nhập khẩu đang đưa ra đối với nông sản, trái cây tươi của Việt Nam là phải đảm bảo không có dịch bệnh và không có thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục họ quy định. Để kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, hiện chúng tôi đang tổ chức kiểm soát, giám sát các vùng trồng trái cây an toàn, triển khai cấp mã số xác nhận theo vùng. Còn để kiểm soát dịch bệnh, các nước nhập khẩu đang yêu cầu trái cây tươi của Việt Nam trước khi xuất đi phải được xử lý bằng hơi nước nóng hoặc chiếu xạ. Đối với yêu cầu chiếu xạ, hiện nay chúng ta đã có các cơ sở đặt tại miền Nam và miền Bắc, đồng thời có tới 5 cơ sở xử lý hơi nước nóng công suất lớn đặt tại miền Trung (2 cơ sở) và TP.HCM (3 cơ sở).
Như thị trường Nhật Bản, họ chỉ yêu cầu trái cây Việt Nam phải được xử lý bằng hơi nước nóng. Hiện nay xuất khẩu thanh long và xoài Việt Nam sang Nhật Bản rất ổn định, cả 5 nhà máy xử lý hơi nước nóng đều tăng công suất. Hiện Nhật Bản cũng ưu tiên cho Việt Nam làm thủ tục xuất vải thiều sang thị trường này thông qua xử lý bằng hơi nước nóng và với đà này, chắc chắn sẽ có thêm các loại trái cây khác được vào Nhật Bản.
Nhưng thực tế trong nhiều năm qua đã có nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam xuất sang châu Âu bị cảnh báo hoặc trả lại… do vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch hại, tại sao thưa ông?
- Thị trường châu Âu với 28 quốc gia là tiềm năng lớn cho trái cây tươi và rau gia vị của Việt Nam nhưng cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn về chất lượng rất cao. Thực tế, các năm vừa qua thi thoảng cũng có một số cảnh báo của họ về nông sản của Việt Nam như bị nhiễm các loại bệnh - ở vùng khí hậu nhiệt đới như của chúng ta thì dịch bệnh trên trái cây, rau gia vị rất phổ biến nhưng với họ lại là đối tượng quan tâm. Do vậy, để không bị mất uy tín, chúng tôi yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp phải đăng ký vùng trồng với cơ quan kiểm dịch để xuống kiểm tra và bắt buộc áp dụng các quy định tiêu chuẩn của châu Âu. Khoảng hơn 1 năm nay, các lô hàng đi châu Âu không có vấn đề gì cả, bao gồm trái cây.
Xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng do nhu cầu của thị trường nhưng tại sao lại không có nhiều doanh nghiệp hứng thú với lãnh địa này?
- Đây thực sự là câu chuyện cần giải quyết. Thu hút được doanh nghiệp tham gia vào mới thúc đẩy được sản xuất nông sản nói chung, xuất khẩu nói riêng. Nhưng hiện nay, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam chỉ tính trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi các nước đều thắt chặt về chất lượng nông sản thì sản xuất của chúng ta vẫn đang ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn than phiền rằng sở dĩ họ không đầu tư mạnh vào nông nghiệp vì ngoài rủi ro thì còn phải gánh chịu các khoản chi phí… Đây là rào cản ngay chính trong nước chứ không phải rào cản từ nước nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp nói rằng chi phí vận chuyển của các nước rất thấp còn của Việt Nam thì cao. Chẳng hạn như xuất nhập khẩu trái cây giữa Việt Nam và Thái Lan. Doanh nghiệp cũng cho biết cùng 1kg thanh long xuất từ Thái Lan sang Việt Nam rẻ hơn của Việt Nam xuất sang Thái Lan tới 2USD.
Xin cảm ơn ông!