Tổng cục Dự trữ Nhà nước:

Hỗ trợ gần 12 nghìn tấn gạo cho dự án phát triển rừng tại Hà Giang

Theo mof.gov.vn

Ngày 28/8, tại Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 04 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008 - 2015.

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn

Báo cáo tổng kết tại hội nghị cho biết: Sau hơn 07 năm thực hiện, dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận, cụ thể: Giao khoán quản lý bảo vệ rừng đạt 82.767,2ha/77.301ha, bằng 107% nhiệm vụ dự án; Giao khoán khoanh nuôi phục hồi rừng đạt 28.407,1ha/17.871,7ha, bằng 159% nhiệm vụ dự án; Trồng rừng đạt 17.132,5 ha/10.989,2 ha, bằng 155,9% nhiệm vụ dự án; tạo nhiều diện tích rừng phòng hộ với diện tích tập trung trên 50 ha; Trồng rừng phòng hộ môi trường đạt 575,3 ha/500 ha, bằng 115%; Cải tạo, nâng cấp 08 vườn ươm cung cấp cây giống trồng rừng cho vùng dự án tại 04 huyện; Ngoài các nhiệm vụ bảo vệ rừng, phát triển rừng, tỉnh Hà giang còn lồng ghép các chương trình, nguồn vốn khác (sự nghiệp kinh tế nông nghiệp, chương trình 134, chương trình 30a…) để thực hiện mục tiêu của dự án như: hỗ trợ trồng cỏ đạt 12.030 ha/3.000 ha, bằng 401% nhiệm vụ dự án; trồng cây dược liệu, xây dựng bể chứa nước cho nhân dân tại 4 huyện vùng cao của tỉnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã bổ sung xây dựng bếp đun cải tiến cho các hộ gia đình để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm củi đun trong cuộc sống. Số lượng bếp đun cải tiến được xây dựng mới là 28.949 bếp, hoàn thành sớm 01 năm so với đề án của tỉnh và đã tiết kiệm cho người dân khoảng 40 – 50% lượng củi đốt hàng ngày so với trước đây.

Đặc biệt, sau hơn 7 năm thực hiện dự án Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 04 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN) đã tổ chức xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các hộ dân nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng sản xuất. Tổng số gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp cho tỉnh Hà Giang đạt 11.345,7 tấn/ kế hoạch 11.862,6 tấn (95,6%). Dự kiến đến hết 2015 sẽ hoàn thành 100% nhiệm vụ này. Gạo từ nguồn DTQG đã được giao nhận đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng cho trên 60.600 hộ và nhóm hộ, thời gian cấp gạo hàng năm rất phù hợp, tập trung vào những thời điểm giáp hạt trong năm như tháng 4, tháng 11, đã huy động được nguồn lực và sự tham gia của các cấp chính quyền và cả doanh nghiệp cũng như người dân vào dự án, quá trình cấp phát gạo được niêm yết công khai minh bạch nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng đánh giá cao thành công và tính thực tiễn của Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 04 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008 - 2015 sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đồng thời nhằm hỗ trợ nhân dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất, Tổng cục trưởng kiến nghị tỉnh Hà Giang cần khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát lại các chính sách trong Chương trình 30a của Chính phủ để đề xuất các nội dung cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời cần quán triệt, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cần lưu ý đối tượng thụ hưởng cơ chế chính sách chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng 30a và các hộ nghèo tại các xã vùng biên giới và vùng đặc biệt khó khăn đang có các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách hỗ trợ tập trung vào 3 lĩnh vực hỗ trợ cần thiết là hỗ trợ về bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ về chăn nuôi và hỗ trợ lương thực đối với trồng rừng thay thế nương rẫy. Tổng cục trưởng khẳng định: trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình, Tổng cục DTNN sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ để tham mưu, báo cáo với Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng địa bàn thực hiện Dự án trong giai đoạn 2016 - 2020 với 06 huyện phía Bắc của tỉnh Hà Giang./.