60 năm Tổng cục Dự trữ Nhà nước trưởng thành và phát triển

Bài đăng sách "70 năm Tài chính Việt Nam trưởng thành và phát triển qua một số tư liệu và hình ảnh"

Dự trữ Quốc gia (DTQG) là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Tổ chức và hoạt động DTQG được ví như “Chiếc van an toàn” đối với nền kinh tế và đời sống xã hội. Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thành lập, trong điều kiện còn vô cùng khó khăn nhưng hoạt động DTQG đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, việc cung cấp lương thực, thuốc men, vũ khí quân trang cho quân đội và bộ máy nhà nước được bảo đảm kịp thời.

Quốc hội Khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Nghị quyết “Xây dựng một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra”.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 07/8/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 997/TTg thành lập Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước (tổ chức tiền thân của Tổng cục Dự trữ Nhà nước ngày nay).

60 năm Tổng cục Dự trữ Nhà nước trưởng thành và phát triển - Ảnh 1

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí dẫn đầu Đoàn đại biểu Bộ Tài chính thăm và làm việc tại Cuba trên cơ sở chương trình hợp tác song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính và Vật giá Cuba. Trong ảnh: Đại diện Tổng cục DTNN Việt Nam và Cơ quan xuất nhập khẩu lương thực Cuba ký biên bản tiếp nhận món quà 5.000 tấn gạo do Việt Nam gửi tặng (tháng 12/2014)

Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chuyên trách DTQG của Nhà nước Việt Nam chính thức ra đời với tư cách là một hệ thống tổ chức độc lập, có chức năng, nhiệm vụ quản lý chuyên trách các hoạt động DTQG.

Những ngày đầu thành lập, trong điều kiện tổ chức bộ máy còn đơn giản, đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo chuyên môn, với ý chí quyết tâm của cả hệ thống, Cục Dự trữ Vật tư Nhà nước đã xây dựng được hệ thống các kho dự trữ chiến lược trên các địa bàn quan trọng bao gồm 18 Ban đại diện vật tư dự trữ trực thuộc từ Vĩnh Linh trở ra, trực tiếp quản lý các kho hàng dự trữ.

60 năm Tổng cục Dự trữ Nhà nước trưởng thành và phát triển - Ảnh 2

Lễ trao 5.000 tấn gạo quà của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng nhân dân CuBa

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Cục vừa thực hiện tiếp nhận lực lượng hàng hoá chiến lược do các bộ, ngành quản lý, vừa tăng cường công tác đầu tư xây dựng kho tàng, nhờ đó chỉ sau 3 năm thành lập, Cục Dự trữ Vật tư Nhà nước đã có hệ thống gần 20 vạn tấn kho, trực tiếp quản lý các mặt hàng lương thực, thiết bị, máy móc, vải, muối… trị giá hàng trăm triệu đồng theo giá thời đó.

Từ tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, để phù hợp với tình hình, Chính phủ tăng cường một bước công tác quản lý, cung cấp vật tư dự trữ theo yêu cầu thời chiến và phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc.

60 năm Tổng cục Dự trữ Nhà nước trưởng thành và phát triển - Ảnh 3

Xuất hàng xuồng cao tốc tiêu chuẩn dự trữ quốc gia phục vụ kịp thời yêu cầu khắc phục hậu quả thiên tai

Bên cạnh việc tổ chức dự trữ hàng hoá theo vùng chiến lược kinh tế - quốc phòng, phù hợp với các tuyến vận tải để chi viện cho miền Nam; vừa phải bảo đảm an toàn, phòng chống sự leo thang đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ; tổ chức của Cục chuyển từ phương thức quản lý tập trung sang phương thức phân tán, đồng thời mở rộng việc quản lý theo nhiều ngành.

Tại các bộ, ngành có các tổ chức quản lý dự trữ Nhà nước được thành lập, như: Cục Dự trữ vật tư thuộc Bộ Vật tư, Cục Dự trữ lương thực thuộc Bộ Lương thực, Cục Dự trữ nội thương thuộc Bộ Nội thương… Hoạt động DTQG đã đóng góp kịp thời, có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

60 năm Tổng cục Dự trữ Nhà nước trưởng thành và phát triển - Ảnh 4

Vận chuyển hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh miền núi

Chỉ tính từ năm 1961 đến năm 1975, Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước đã thực hiện cung ứng kịp thời trên 3 triệu tấn tương thực, 10 vạn tấn xăng dầu, muối, kim khí, thiết bị, hàng triệu mét vải bạt, ni-lon che mưa cho quân đội, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bước vào công cuộc đổi mới, Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần trực tiếp đến thăm và làm việc; có nhiều văn bản chỉ đạo sát sao đối với tổ chức và hoạt động của Ngành. Cục Dự trữ Vật tư Nhà nước từng bước trưởng thành về mọi mặt, ngày càng đáp ứng có hiệu quả yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

60 năm Tổng cục Dự trữ Nhà nước trưởng thành và phát triển - Ảnh 5

Xe chở lương thực dự trữ cứu trợ bão lụt

Để đảm bảo tính tập trung thống nhất dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, ngày 18/02/1984 Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định số 31/HĐBT thành lập Cục Quản lý Dự trữ Nhà nước trên cơ sở Cục Dự trữ Vật tư Nhà nước thuộc Bộ Vật tư và các cục dự trữ thuộc các bộ, ngành.

Ngày 08/9/1988, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định số 142/HĐBT ban hành quy chế quản lý DTQG, đồng thời đổi tên Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước thành Cục DTQG trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động DTQG trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 20/8/2000 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 102/2000/QĐ-TTg chuyển Cục DTQG về trực thuộc Bộ Tài chính.

15 năm qua, DTQG đã không ngừng hoàn thiện và trưởng thành về mọi mặt:

- Về tổ chức bộ máy: Ngày 20/8/1009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg về việc đổi tên nâng cấp Cục DTQG thành Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có 22 cục Dự trữ Nhà nước khu vực trực thuộc, 98 chi cục Dự trữ Nhà nước bố trí trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố, với gần 3.000 cán bộ, công chức; tổ chức bộ máy đã và đang vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Cùng với Tổng cục Dự trữ Nhà nước còn có một số bộ, ngành cũng tham gia trực tiếp quản lý hàng DTQG theo phân công của Chính phủ.

- Về xây dựng hệ thống kho DTQG và cơ sở vật chất kỹ thuật: Trên cơ sở quy hoạch, đã từng bước sắp xếp lại hệ thống kho tàng theo hướng tập trung, quy mô lớn, có đủ điều kiện cần thiết để triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cùng với quá trình đó, phương pháp bảo quản trong môi trường kín được áp dụng và ngày càng được khẳng định về tính ưu việt, hiệu quả trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn hàng hoá dự trữ quốc gia với thời gian lưu kho lâu nhất, chất lượng tốt nhất và chi phí tiết kiệm nhất.

- DTQG là công cụ tài chính hữu hiệu của Chính phủ trong quá trình điều hành, phát triển bền vững của đất nước; đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng ngừa, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng an ninh... Lực lượng DTQG còn tích cực tham gia hệ thống an sinh xã hội, thực hiện hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các dự án trồng rừng và thực hiện viện trợ quốc tế.

- Cơ chế quản lý DTQG thường xuyên được rà soát, củng cố và hoàn thiện. Từ Nghị định số 10/CP năm 1996 về quy chế quản lý DTQG, đã triển khai xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh DTQG năm 2004, trên cơ sở đó, xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật DTQG năm 2012. Cùng với Luật DTQG, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đã tạo lập được hệ thống pháp luật đồng bộ đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động DTQG.

Gần 60 năm qua, từ một đơn vị với tổ chức còn đơn giản, tiềm lực dự trữ nhỏ bé, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có bước trưởng thành vượt bậc, trở thành một hệ thống tổ chức từ Trung ương tới các vùng chiến lược trên địa bàn cả nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất; có thể chế chặt chẽ; tiềm lực được tăng cường; hoạt động ngày càng hiệu quả, đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN.