Tỉnh Quảng Nam:

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP

Theo Mai Linh/Báo Quảng Nam

Thời gian qua, dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Nam gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ngành liên quan của tỉnh và chính quyền nhiều địa phương đang tích cực hỗ trợ các chủ thể trong việc tiêu thụ hàng hóa, nhất là nỗ lực đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Do dịch Covid-19 bùng phát nhiều đợt, thời gian qua cửa hàng bán các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình) hoạt động không hiệu quả. Ảnh: ML
Do dịch Covid-19 bùng phát nhiều đợt, thời gian qua cửa hàng bán các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình) hoạt động không hiệu quả. Ảnh: ML

Tiêu thụ giảm mạnh

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho hay, bắt đầu từ năm 2016 đơn vị liên kết với nông dân vùng Gò Nổi tổ chức sản xuất mỗi vụ hơn 10ha đậu phụng sạch để tạo nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm dầu phụng mang thương hiệu “Đất Quảng”.

Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”  OCOP, hợp tác xã nhanh chóng đăng ký tham gia và đến năm 2018 dầu phụng “Đất Quảng” được xét công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ chất lượng đảm bảo nên sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận.

Ông Thành cho biết, từ năm 2016 - 2019, bình quân hằng năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường 8.000 - 10.000 lít dầu phụng. Với giá bán sỉ 128 nghìn đồng/lít cho các siêu thị, cửa hàng, đại lý ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... thì mỗi năm đơn vị đạt doanh thu khoảng 1 - 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 năm nay do hầu hết địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.

“Từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng dầu phụng tiêu thụ của hợp tác xã tụt giảm rất mạnh, bình quân hằng năm chỉ bán ra thị trường 1.500 - 2.000 lít. Sản lượng tiêu thụ quá ít nên doanh thu mỗi năm giảm từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng” - ông Thành nói.

Tương tự, ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình) thông tin, sau những nỗ lực trong việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2019 cả 2 sản phẩm của đơn vị là dầu mè đen nguyên chất và nếp Hương Lân Trường Giang được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, bình quân mỗi năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 6 tấn nếp hạt và 800 - 1.000 lít dầu mè, doanh thu đạt 460 - 530 triệu đồng/năm. Thế nhưng, 2 năm gần đây, do dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp nên cửa hàng OCOP của hợp tác xã hoạt động không hiệu quả. Sản lượng tiêu thụ và doanh thu từ 2 sản phẩm dầu mè, nếp tụt giảm ít nhất 55% so với trước đây.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam) cho biết, giai đoạn 2018 - 2020 toàn tỉnh có tổng cộng 206 sản phẩm thuộc nhiều nhóm ngành hàng được UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn OCOP.

Hai năm qua, do ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 nên hầu hết chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn trong việc nhập nguyên liệu đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, doanh thu của không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể tụt giảm so với trước.

Tiếp sức chủ thể

Ông Phạm Văn Huệ - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (Tam Ngọc, Tam Kỳ) cho biết, hiện nay đơn vị có 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao là dầu phụng và dầu mè đen. Trước những tác động xấu do dịch COVID-19 gây ra, 2 năm nay hợp tác xã tập trung tháo gỡ những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, thời gian qua đơn vị đã tham gia 7 sàn thương mại điện tử gồm Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Voso, Postmart, Bách hóa xanh. Bình quân hằng năm, qua những sàn thương mại điện tử này, hợp tác xã bán ra khoảng 1.500 lít dầu phụng và dầu mè đen nguyên chất với 12 loại mẫu chai khác nhau, ước tính doanh thu từ kênh bán hàng này đạt 200 triệu đồng/năm.

Theo ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, thời gian qua nhiều chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực rất lớn trong việc khôi phục, tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt là các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ sản phẩm OCOP bằng việc bán hàng qua mạng xã hội như Zalo, Facbook, các website và sàn thương mại điện tử...

Để trợ sức cho các chủ thể, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam đã giới thiệu, thông tin các sản phẩm OCOP đến với các địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Hội Doanh nhân phía Nam... Đồng thời giới thiệu danh sách những điểm bán hàng ở các tỉnh, thành khác đến các địa phương, chủ thể sản xuất trong tỉnh biết để tiện việc liên hệ tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, đơn vị đã làm việc trực tiếp và ký bản ghi nhớ với 2 sàn thương mại điện tử gồm https://quangnam.postmart.vnhttps://voso.vn để đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lên 2 sàn này giới thiệu quảng bá, bán hàng. Đến nay, Quảng Nam có 109 sản phẩm lên sàn https://quangnam.postmart.vn và 104 sản phẩm lên sàn https://voso.vn.

“Nhờ những động thái trên, thời gian gần đây một số sản phẩm OCOP của tỉnh thuộc nhóm ngành hàng lương thực và thực phẩm như bún khô, bánh tráng, phở khô, gạo, nước mắm, yến sào... đã duy trì được mức tăng trưởng, thậm chí là tăng trưởng cao hơn các năm trước” – ông Noa chia sẻ.

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cũng triển khai một số phần việc khác. Theo đó, đơn vị vừa tổ chức tập huấn thương mại điện tử cho các chủ thể OCOP, đang tập trung nâng cấp website (https://ocop.quangnam.gov.vn) có mục giới thiệu các sản phẩm OCOP của Quảng Nam, phối hợp cung cấp thông tin xây dựng ấn phẩm sản phẩm OCOP tại Hà Nội, tham mưu Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty QNB tổ chức hội chợ trực tuyến sản phẩm OCOP toàn quốc...

10 tỷ đồng hỗ trợ chương trình OCOP

Năm 2021, toàn tỉnh Quảng Nam có 102 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó, nhóm thực phẩm có 74 sản phẩm, đồ uống 11 sản phẩm, thảo dược 5 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ 10 sản phẩm, vải - may mặc 1 sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn 1 sản phẩm. Thời gian qua, UBND tỉnh đã phân bổ cho 18 huyện, thị xã, thành phố 10 tỷ đồng để thực hiện chương trình OCOP. Phần lớn nguồn kinh phí trên hỗ trợ các chủ thể xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất và đăng ký thương hiệu, thiết lập bao bì mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm...