TS. Vũ Hồng Thanh - Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV:

Hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng yếu thế thời Covid-19


Năm 2020, trước ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng dành cho người lao động bị giãn, hoãn hoặc mất việc do ảnh hưởng của đại dịch và một loạt các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bóng ma của đại dịch Covid-19 đã tác động đến việc làm của cả xã hội, trong đó có cả những đối tượng yếu thế - những người bán hàng rong, lao động tự do, người khuyết tật, người nghèo, thu nhập thấp và cả những hộ kinh doanh cá thể…

Năm 2020, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng dành cho người lao động bị giãn, hoãn hoặc mất việc do ảnh hưởng của đại dịch và một loạt các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội…

Theo công bố gần nhất của Tổng cục Thống kê, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, có 540 nghìn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập... Do đó, những chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế hiện nay, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong năm 2021 là vô cùng cần thiết.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 10 năm từ 2010-2019, nền kinh tế cá thể bao gồm hộ kinh doanh cá thể, lao động tự do gồm xe ôm và cả những người bán hàng rong… đóng góp khoảng 31% GDP của cả nước, cao nhất trong các thành phần kinh tế. Một con số đáng để chúng ta suy ngẫm về những chính sách dành cho thành phần kinh tế này.

Kinh tế cá thể đã có từ thời cổ đại, phát triển một cách đơn sơ mộc mạc, từ chính nhu cầu mưu sinh, trao đổi hàng hóa để nhận lại những gì họ muốn hoặc cần của một bộ phận dân chúng trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đã chủ trương phát triển kinh tế cá thể như một cứu cánh cho nền kinh tế nước này.

Đó là bởi vì họ đã có những đánh giá tổng hòa về mặt chi phí và lợi ích do thành phần kinh tế này mang lại. Lợi ích đầu tiên đó là giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn lao động bị thất nghiệp trong xã hội, tiếp đến giảm gánh nặng ngân sách nhà nước trong việc trợ cấp cho các đối tượng này, từ đó ổn định an ninh trật tự xã hội. Trong khi đó, chi phí để tạo ra những hành lang, cơ chế, chính sách để hỗ trợ thành phần kinh tế này không tốn kém bằng các thành phần kinh tế khác.

Ngoài ra, chưa kể đến việc một số hoạt động cụ thể của thành phần kinh tế này như những gánh hàng rong trong con mắt du khách nước ngoài là một điều gì đó thật lạ lẫm, hấp dẫn, hình thành một nét văn hóa đặc trưng để thu hút họ, góp phần tạo ra lợi nhuận tỷ đô cho ngành công nghiệp không khói.

Nhà kinh tế học Keynes đã chỉ ra rằng, kích cầu là một biện pháp hữu hiệu để tăng trưởng khi nền kinh tế gặp khó. Kích cầu hiệu quả và nhanh nhất là chính từ nguồn tiêu dùng trong nước. Không ai khác, những cá nhân thuộc thành phần kinh tế cá thể với những ưu điểm: nắm bắt thị trường mục tiêu, thị hiếu của từng đối tượng khách hàng và kỹ năng bán hàng tốt là những nhà phân phối hiệu quả nhất để thúc đẩy hoạt động tiêu dùng phát triển.

Khó có một giải pháp nào toàn diện để hỗ trợ sinh kế tốt nhất cho các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, nếu triển khai một cách đồng bộ ba nhóm giải pháp sau sẽ giải quyết được vấn đề trên, đó là:

Một là, xây dựng chính sách hỗ trợ thiết thực và bảo vệ an toàn nhằm hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng yếu thế.

Hai là, rà soát, thống kê theo tiêu chí cụ thể, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Ba là, ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin trong việc triển khai, theo dõi và đánh giá hiệu quả của chương trình hỗ trợ.

Nền kinh tế chỉ phát triển bền vững và khoảng cách giàu nghèo sẽ rút ngắn lại khi các chính sách  “Không để ai bỏ mặc lại phía sau” được triển khai một cách kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.