Chính phủ “đồng hành” cùng doanh nghiệp trong dịch Covid-19
Liên tiếp các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) được Chính phủ ban hành từ năm 2020 cho đến nay chính là “liều thuốc” bổ quan trọng, giúp DN đứng vững trước khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành
Từ năm 2020 cho đến nay, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Những chính sách này không chỉ tập trung cải cách thủ hành chính, gia hạn tiền thuê đất, giảm chi phí kinh doanh mà còn hỗ trợ cộng đồng DN tiếp cận được vốn để trả lương cho người lao động bị ngừng việc.
Cụ thể, về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực thi những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo; Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…
Đặc biệt, để đồng hành cùng DN, ngày 9/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị với DN. Hội nghị được truyền hình trực tiếp và trực tuyến tới cộng đồng gần 800.000 DN, nhân dân cả nước, nhằm khích lệ, động viên tinh thần doanh nhân nỗ lực vượt khó, đồng thời kịp thời nắm bắt, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN.
Để hỗ trợ DN ứng phó với dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với DN, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg chỉ đao các bộ, ngành, địa phương thực hiện 7 nhóm giải pháp cụ thể, hướng tới đối tượng là các DN, người lao động bị mất việc làm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Bước sang năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, để tháo gỡ khó khăn cho khu vực DN, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho DN.
Điển hình là, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Nghị định số 18/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…
Tiếp tục "đồng hành" cùng doanh nghiệp
Từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai các gói hỗ trợ đến cộng đồng DN và người dân và đã mang lại những kết quả bước đầu. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến cuối tháng 1/2021, đã thực hiện giải ngân được 12.932,4 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 13.025.830 người và 32.409 hộ kinh doanh, trong đó nhóm người lao động được hỗ trợ là 1.145.065 người, với kinh phí là 1.124,4 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội Việt nam cho biết, hiện có 755 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 97.626 người lao động, với tổng kinh phí trên 471,88 tỷ đồng.
Về hỗ trợ vay trả lương ngừng việc, theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 56 tỉnh, thành phố, kết quả cho vay đến cuối tháng 1/2021 thực hiện giải ngân với tổng số dư nợ là 38,267 tỷ đồng cho 238 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 10.370 người lao động.
Như vậy, tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ cho trên 14,271 triệu lượt người dân thông qua chi trả trực tiếp hoặc các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cho vay để trả lương ngừng việc là 32.342,528 tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ mặc dù chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, song cũng giúp DN tháo gỡ một phần khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Tuy vậy, trong báo cáo gửi các bộ, ngành, địa phương về tình hình phát triển DN năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Dịch Covid-19 đã tạo nên một sự xáo trộn lớn và có tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế nói chung, trong đó khu vực DN chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Trong khi đó, các DN Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 94%) càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Để tiếp tục hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng, triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho cộng đồng DN.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ tới đây không chỉ tập trung vào các giải pháp giúp DN ứng phó với dịch mà còn giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng DN.