Hoàn thiện Dự thảo Nghị định thành lập doanh nghiệp định mức tín nhiệm tại Việt Nam

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 20/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thành lập và hoạt động của doanh nghiệp (DN) Định mức tín nhiệm”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Tài chính Ngân hàng, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính và các đơn vị thành viên tham gia trên thị trường trái phiếu. Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Anh về phát triển thị trường trái phiếu DN tại Việt Nam.

Hoàn thiện Dự thảo Nghị định thành lập doanh nghiệp định mức tín nhiệm tại Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: mof.gov.vn

Vai trò của thông số tham chiếu trong điều hành thị trường

Theo Bộ Tài chính, tổ chức định mức tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Định mức tín nhiệm là thông số tham chiếu giúp cơ quan quản lý trong điều hành thị trường, định hướng thị trường theo hướng chuẩn hóa, tăng cường công khai và minh bạch. Đối với các tổ chức phát hành, định mức tín nhiệm giúp huy động vốn hiệu quả với chi phí hợp lý; quảng bá thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước; thúc đẩy cải thiện tình hình tài chính, quy trình quản lý, chất lượng và hiệu quả cuộc sống. Đối với nhà đầu tư, thông tin về định mức tín nhiệm là thông tin quan trọng hỗ trợ quyết định đầu tư trái phiếu.

Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa có công ty định mức tín nhiệm nào được cấp phép hoạt động và được các thành viên tham gia thị trường chấp nhận sử dụng rộng rãi. Hiện tại mới chỉ có 3 tổ chức tham gia vào lĩnh vực xếp hạng tín dụng, tuy nhiên chưa phải là DN định mức tín nhiệm theo thông lệ quốc tế, chưa cung cấp dịch vụ định mức tín nhiệm đối với các đợt phát hành trái phiếu và công cụ nợ trên thị trường. Khuôn khổ pháp lý hiện tại cũng chưa có quy định về việc thành lập và hoạt động của DN định mức tín nhiệm. Hoạt động định mức tín nhiệm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với yêu cầu hoạt động và tính chất hoạt động đặc thù, cần phải có Nghị định riêng của Chính phủ quy định về thành lập, hoạt động của DN định mức tín nhiệm tại Việt Nam.

Xuất phát từ mục tiêu và lý do đó, Dự thảo Nghị định đã được xây dựng gồm 8 chương, 51 Điều quy định các vấn đề cơ bản và chung nhất trong hoạt động của DN định mức tín nhiệm. Dự thảo Nghị định đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý nhất định trong hoạt động của loại hình DN này trong tương lai.

Hai mô hình tổ chức DN định mức tín nhiệm

Dự thảo Nghị định được đại diện Bộ Tài chính trình bày tại Hội thảo cho thấy một số điểm đáng chú ý như:

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định quy định về việc thành lập và hoạt động của DN định mức tín nhiệm tại thị trường Việt Nam. Đối tượng được định mức tín nhiệm bao gồm: Tổ chức phát hành công cụ nợ và các công cụ nợ; Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ, DN định mức tín nhiệm được tổ chức theo mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc mô hình công ty cổ phần. Trong đó, tổng tỷ lệ sở hữu của mỗi tổ chức, cá nhân góp vốn và người có liên quan không được vượt quá 20% vốn thực góp của DN định mức tín nhiệm; các tổ chức không sử dụng vốn nhà nước để tham gia góp vốn thành lập DN định mức tín nhiệm.

Đối với quy định về Hội đồng định mức tín nhiệm: DN định mức tín nhiệm thành  lập Hội đồng định mức tín nhiệm để thực hiện định mức tín nhiệm đối với mỗi hợp đồng định mức tín nhiệm; Hội đồng định mức tín nhiệm quyết định kết quả định mức tín nhiệm, việc thay đổi xếp hạng tín nhiệm và báo cáo định mức tín nhiệm theo cơ chế biểu quyết quy định tại Điều lệ hoạt động của DN định mức tín nhiệm. Thành viên Hội đồng định mức tín nhiệm phải đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản như: là nhân viên của DN định mức tín nhiệm; có ít nhất 3 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc thống kê; không tham gia hoạt động điều hành DN định mức tín nhiệm…

Các DN định mức tín nhiệm có phạm vi hoạt động bao gồm: Dịch vụ định mức tín nhiệm; dịch vụ liên quan đến định mức tín nhiệm như Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức liên quan đến định mức tín nhiệm và cung cấp cơ sở dữ liệu liên quan đến định mức tín nhiệm; Các dịch vụ kinh doanh khác theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký DN của DN định mức tín nhiệm ngoại trừ lĩnh vực kế toán và kiểm toán; DN định mức tín nhiệm phải đảm bảo các dịch vụ kinh doanh này được tổ chức độc lập và tách biệt với hoạt động định mức tín nhiệm…

Hoàn thiện các quy định trong xây dựng dự thảo

Tại Hội thảo, sau khi nghe trình bày Dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính, các đại biểu đã bày tỏ nhiều ý kiến xung quanh những quy định của Dự thảo, đặc biệt là các nội dung liên quan đến thời điểm ban hành Nghị định, quy định về vốn pháp định, về tỷ lệ góp vốn sở hữu hay các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Đại diện đến từ Ngân hàng VIB bày tỏ quan ngại về tính cấp thiết cho sự ra đời của Nghị định khi cho rằng thị trường cho hoạt động của các DN định mức tín nhiệm ở Việt Nam là có, nhưng còn ở dạng rất tiềm ẩn, do vậy liệu khi Nghị định ra đời, có cá nhân, đơn vị tổ chức nào tham gia thành lập không? Do vậy, để hình thành các DN này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng được cơ chế khuyến khích thành lập, phải có định hướng và lộ trình rõ ràng. Ví dụ, đối với các DN muốn phát hành trái phiếu nhất định phải được các DN định mức tín nhiệm xếp hạng có như vậy mới tạo động cơ khuyến khích thành lập các công ty này. Đồng thời, để gia tăng lợi nhuận của công ty, đề nghị trong dự thảo Nghị định phải có quy định để các DN định mức tín nhiệm được phép bán thông tin ra thị trường, tạo doanh thu cho công ty, đặc biệt trong những năm đầu sau khi thành lập. Đây cũng là ý kiến đề nghị của đại diện đến từ Công ty Chứng khoán Dầu khí.

Nhiều đại biểu tại Hội thảo cũng lo ngại, với những điều kiện về vốn, về nhân lực không quá khó như trong  quy định tại Dự thảo liệu có xảy ra tình trạng có quá nhiều DN định mức tín nhiệm được thành lập và hoạt động, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt làm giảm chất lượng dịch vụ cung cấp trong điều kiện thị trường cho hoạt động của DN này ở Việt Nam bước đầu còn rất khiêm tốn,

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, về mô hình tổ chức của công ty không nên chỉ  khống chế trong 2 loại mô hình là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần mà nên mở rộng đối tượng hơn để có thể dễ dàng thu hút sự tham gia của các công ty xếp hạng tín nhiệm có thương hiệu trên quốc tế, có như vậy dịch vụ được cung cấp ra thị trường sẽ có giá trị hơn đối với DN, nhà quản lý và nhà đầu tư.

Ngoài ra, ý kiến của đại diện đến từ Ngân hàng Hàng Hải cho rằng, nên chăng có chế tài mạnh hơn mức xử phạt hành chính đối với các công ty định mức tín nhiệm nếu đưa ra kết quả không chính xác hoặc kết quả sai, bởi những sai sót của các công ty định mức tín nhiệm có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của thị trường vốn nên nếu chỉ xử phạt hành chính sẽ không tạo được tính răn đe và ngăn chặn rủi ro. Điều này cũng giúp các DN tín nhiệm có trách nhiệm hơn và cả đạo đức hơn khi đưa ra các quyết định của mình.

Một số ý kiến, kiến nghị của các đại biểu đã được bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính-ngân hàng, đại diện đơn vị soạn thảo trả lời ngay tại Hội thảo. Đồng thời bà Hiền cũng khẳng định những kiến nghị của các đại biểu sẽ được đơn vị soạn thảo xem xét, tiếp thu để có chỉnh sửa cho phù hợp.