Hoàn thiện quy định về lập dự toán, thanh toán kinh phí chi trả chi phí tố tụng
Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến với dự thảo Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục lập dự toán, thanh toán kinh phí chi trả chi phí tố tụng nhằm hoàn thiện quy định trong lĩnh vực này.

Dự thảo Nghị định nêu trên được Bộ Tài chính kế thừa các nội dung quy định tại Thông tư số 215/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động trưng cầu giám định, định giá, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, bổ sung các nội dung mới quy định tại Pháp lệnh Chi phí tố tụng năm 2024.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất quy định nguồn kinh phí chi trả căn cứ Điều 71 Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Cụ thể, kinh phí chi trả chi phí tố tụng mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm chi trả theo quy định của Pháp lệnh Chi phí tố tụng được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.
Kinh phí chi trả chi phí cho Hội thẩm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Tòa án theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Ngoài nội dung trên, dự thảo Nghị định quy định về lập, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả chi phí tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật. Trong đó, đối với việc phân bổ kinh phí chi trả chi phí tố tụng, dự thảo Nghị định kế thừa quy định hiện hành tại Thông tư số 215/2015/TT-BTC. Cụ thể, kinh phí chi trả chi phi tố tụng được phân bổ vào phần kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ.
Theo Bộ Tài chính, Điều 3 Pháp lệnh Chi phí tố tụng quy định, chi phí tố tụng bao gồm 09 loại chi phí gồm: Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí xem xét tại chỗ; Chi phí định giá tài sản; Chi phí giám định; Chi phí cho Hội thẩm; Chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân; Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến; Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật; Chi phí uỷ thác tư pháp ra nước ngoài; Chi phí tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc, vụ án.
Do đó, các cứ các nội dung của từng loại chi phí được quy định tại Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Bộ Tài chính đề xuất quy định các chứng từ thanh quyết toán đối với chi thù lao, chứng từ gồm bảng kê thù lao có chữ ký của người được mời hoặc được triệu tập. Đối với chi phí đi lại, chi phí thuê phòng nghỉ, phụ cấp lưu trú, chi phí thu thập, phân tích thông tin, chứng từ thanh toán theo chế độ quy định của Nhà nước về thanh toán công tác phí; thanh toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.
Đối với chi phí dịch vụ, chứng từ thanh toán gồm hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn và phiếu thu tiền thuê dịch vụ. Đối với chi phí vật tư tiêu hao, chi chuyển phát tài liệu, hồ sơ, chứng từ thanh toán theo hóa đơn, chứng từ thực tế.
Dự thảo Nghị định trên được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định về trình tự, thủ tục lập dự toán, thanh toán kinh phí chi trả chi phí tố tụng quy định tại Pháp lệnh Chi phí tố tụng năm 2024; tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Nghị định khi được ban hành sẽ khắc phục một số tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện các hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động trưng cầu giám định, định giá, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan tiến hành tố tụng hiện hành.