Hoạt động đầu tư 8 tháng đầu năm 2018
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tám ước tính đạt 30,3 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 5,6 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 24,7 nghìn tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 183,6 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% kế hoạch năm và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 53,6% kế hoạch năm và tăng 6,4%), gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 33,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,3% kế hoạch năm và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 11.306 tỷ đồng, bằng 61,4% và giảm 43,7%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3.706 tỷ đồng, bằng 45,9% và tăng 14,7%; Bộ Y tế 1.339 tỷ đồng, bằng 40,5% và giảm 41,7%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 706 tỷ đồng, bằng 47,6% và tăng 52,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 571 tỷ đồng, bằng 42,1% và tăng 29,1%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 349 tỷ đồng, bằng 46,5% và tăng 9,3%; Bộ Xây dựng 148 tỷ đồng, bằng 54,4% và giảm 53%; Bộ Công Thương 119 tỷ đồng, bằng 53,9% và giảm 17,6%; Bộ Khoa học và Công nghệ 116 tỷ đồng, bằng 48% và tăng 60,3%; Bộ Thông tin và Truyền thông 65 tỷ đồng, bằng 49,1% và tăng 15,4%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 149,8 nghìn tỷ đồng, bằng 56,1% kế hoạch năm và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 104,3 nghìn tỷ đồng, bằng 53,5% và tăng 17,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 38 nghìn tỷ đồng, bằng 61% và tăng 14,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, bằng 76,3% và tăng 11,7%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2018 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, bằng 56,1% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 12,7 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9% và tăng 13,8%; Quảng Ninh 5.887 tỷ đồng, bằng 60,8% và tăng 52,3%; Hải Phòng 5.287 tỷ đồng, bằng 58% và tăng 65,8%; Bình Dương 4.156 tỷ đồng, bằng 52,2% và tăng 9,4%; Thanh Hóa 3.970 tỷ đồng, bằng 63,1% và tăng 29,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu 3.909 tỷ đồng, bằng 60,1% và tăng 32,8%; Nghệ An 3.697 tỷ đồng, bằng 63,1% và tăng 5,3%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2018 thu hút 1.918 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13.481,6 triệu USD, tăng 18,1% về số dự án và tăng 0,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, có 736 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.584,8 triệu USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng đạt 19.066,4 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm nay ước tính đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 8 tháng năm 2018 còn có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 669 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,76 tỷ USD và 3.882 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,52 tỷ USD.
Trong 8 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5.766 triệu USD, chiếm 42,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5.007 triệu USD, chiếm 37,1%; các ngành còn lại đạt 2.708,6 triệu USD, chiếm 20,1%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm nay đạt 9.301,9 triệu USD, chiếm 48,8% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5.496,7 triệu USD, chiếm 28,8%; các ngành còn lại đạt 4.267,8 triệu USD, chiếm 22,4%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.424,7 triệu USD, chiếm 27% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 1.208,5 triệu USD, chiếm 22,9%; các ngành còn lại đạt 2.649,1 triệu USD, chiếm 50,1%.
Cả nước có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 8 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 5.101,8 triệu USD, chiếm 37,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu 1.771,3 triệu USD, chiếm 13,1%; Bình Dương 661,4 triệu USD, chiếm 4,9%; thành phố Hồ Chí Minh 581,8 triệu USD, chiếm 4,3%; Đồng Nai 580,8 triệu USD, chiếm 4,3%; Hải Phòng 409,4 triệu USD, chiếm 3%; Ninh Thuận 385,1 triệu USD, chiếm 2,9%; Bạc Liêu 365,8 triệu USD, chiếm 2,7%; Kiên Giang 353,5 triệu USD, chiếm 2,6%.
Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 5.848,4 triệu USD, chiếm 43,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là
Hàn Quốc 2.821 triệu USD, chiếm 20,9%; Xin-ga-po 949,7 triệu USD, chiếm 7%; Thái Lan 827,3 triệu USD, chiếm 6,1%; Trung Quốc 521,1 triệu USD, chiếm 3,9%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 512,3 triệu USD, chiếm 3,8%; Pháp 469,7 triệu USD, chiếm 3,5%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm nay có 93 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 271,5 triệu USD; 22 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 42 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 8 tháng năm 2018 đạt 313,5 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,8 triệu USD, chiếm 20,4%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 45,9 triệu USD, chiếm 14,6%.
Trong 8 tháng có 29 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào với 95,2 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư; I-ta-li-a 37,8 triệu USD, chiếm 12%; Xlô-va-ki-a 35,9 triệu USD, chiếm 11,5%.