Hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí
(Tài chính) Bảo hiểm hưu trí là một hình thức bảo hiểm thuộc hệ thống hưu trí thu hút được sự quan tâm rất lớn của người lao động ở tất cả các nước trên thế giới. Một trong những thành phần quan trọng ảnh hưởng đáng kể đến sự thành công của bất kỳ chương trình bảo hiểm hưu trí nào là quỹ đầu tư bảo hiểm hưu trí hay gọi tắt là quỹ hưu trí.
Quỹ hưu trí được hình thành từ những khoản đóng góp của người tham gia bảo hiểm hưu trí (người lao động và người sử dụng lao động) và thực hiện các hoạt động đầu tư để chi trả quyền lợi hưu trí cho người lao động khi đến tuổi về hưu. Tại các thị trường phát triển trên thế giới, quỹ hưu trí là quỹ đầu tư có quy mô tài sản quản lý lớn nhất thị trường. Theo một thống kê do công ty Towers Watson phối hợp với tạp chí Pensions & Investments thực hiện, tại thời điểm cuối năm 2012, tổng tài sản quản lý của 300 quỹ hưu trí lớn nhất thế giới lên tới 14.000 tỷ USD.
Mục tiêu đầu tư của quỹ hưu trí
Tương tự như các quỹ đầu tư khác, quỹ hưu trí cũng có các mục tiêu đầu tư khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của chương trình bảo hiểm hưu trí. Xét theo cơ chế đóng góp - thụ hưởng của người tham gia bảo hiểm hưu trí, quỹ hưu trí bao gồm 02 loại:
Quỹ hưu trí hoạt động theo cơ chế mức hưởng xác định trước (Defined Benefit, viết tắt là DB): Khi đến tuổi về hưu, người lao động sẽ nhận được quyền lợi hưu trí theo mức đã thống nhất trước từ quỹ DB bất kể kết quả đầu tư của quỹ ra sao (Ví dụ: 20% của lương bình quân 5 năm trước khi về hưu). Trường hợp kết quả đầu tư của quỹ không đủ bù đắp các khoản chi trả quyền lợi hưu trí, người sử dụng lao động sẽ phải bù đắp phần chênh lệch.
Như vậy, mục tiêu đầu tư ưu tiên của quỹ DB là bám sát mức chi trả quyền lợi hưu trí đã thống nhất với người lao động. Tất nhiên, các quỹ DB cũng có thể hướng đến mục tiêu tạo ra lợi nhuận cao hơn nghĩa vụ chi trả nhưng thực tế hoạt động đầu tư cho thấy đây không thường xuyên là mục tiêu có tính khả thi.
Quỹ hưu trí hoạt động theo cơ chế mức đóng xác định (Defined Contribution, viết tắt là DC): Khi đến tuổi về hưu, người lao động sẽ nhận được quyền lợi hưu trí căn cứ vào kết quả đầu tư của quỹ DC. Không giống như quỹ DB, nghĩa vụ của người sử dụng lao động chấm dứt ngay khi đã hoàn thành các khoản đóng góp vào quỹ theo thỏa thuận với người lao động. Như vậy, mục tiêu đầu tư của quỹ DC là tối đa hóa lợi nhuận cho người lao động trên cơ sở các khoản đóng góp và quy định đối với hoạt động đầu tư của quỹ.
Nhìn lại lịch sử phát triển của các quỹ hưu trí trên thế giới, quỹ DB là loại hình quỹ hưu trí xuất hiện đầu tiên. Tuy nhiên, quỹ DB hiện đang được thay thế bằng quỹ DC, đặc biệt là tại các nước phát triển. Có nhiều nguyên nhân có thể giải thích cho xu hướng này, trong đó một nguyên nhân hay được nhắc tới là thị trường chứng khoán hiện đại càng ngày càng biến động phức tạp. Có những giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chi trả của các quỹ DB trong khi quyền lợi hưu trí vẫn không thay đổi dẫn tới người sử dụng lao động phải thực hiện các khoản đóng góp bổ sung ngày càng lớn.
Kết quả là trong nhiều trường hợp, người sử dụng lao động không thể thực hiện được nghĩa vụ đóng góp của mình. Một nguyên nhân khác là quyền lợi của người lao động tham gia các quỹ DC được quản lý theo tài khoản cá nhân. Trong một môi trường lao động hiện đại, khi người lao động chuyển đổi công việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, quyền lợi hưu trí của họ có thể được duy trì và cập nhật dễ dàng hơn với cơ chế của quỹ DC.
Quy tắc giới hạn định lượng (Quantitative Limit Rule) và quy tắc thận trọng (Prudent Person Rule):
Ngoài vai trò là một phương tiện đầu tư, quỹ hưu trí có ý nghĩa xã hội rất lớn vì kết quả đầu tư của quỹ tác động trực tiếp tới cuộc sống của người lao động. Chính vì vậy, hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí chịu sự giám sát rất chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện tại, có hai cách tiếp cận đối với việc giám sát hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí như sau:
Quy tắc giới hạn định lượng (QLR): Theo quy tắc này, tỷ trọng của một loại tài sản trong danh mục đầu tư của quỹ được xác định cụ thể căn cứ vào mức độ rủi ro của bản thân tài sản đó (Ví dụ: Trái phiếu chính phủ tối thiểu 50%, cổ phiếu tối đa 20%...). Ưu điểm của cách tiếp cận này là rõ ràng nên cơ quan quản lý dễ dàng triển khai việc kiểm tra, giám sát. Chính vì ưu điểm này mà quy tắc giới hạn định lượng được sử dụng phổ biến tại các nước đang phát triển.
Mặc dù vậy, nhược điểm của nó là trong nhiều trường hợp, các giới hạn về tỷ trọng khá cứng nhắc. Theo lý thuyết tài chính hiện đại, rủi ro của một tài sản được đánh giá trong mối quan hệ tương quan với các loại tài sản khác trong danh mục đầu tư. Nếu đặt riêng rẽ, một tài sản có thể có rủi ro cao nhưng nếu đặt trong một danh mục đầu tư đa dạng, tài sản đó có thể góp phần giảm thiểu rủi ro cho danh mục.
Quy tắc thận trọng (PPR): Quy tắc này không đưa ra một giới hạn cụ thể nào cho các tài sản trong danh mục đầu tư mà thay vào đó là những tiêu chí mà người quản lý đầu tư phải tuân thủ trong quá trình thực hiện đầu tư cho quỹ hưu trí (Ví dụ: Hành động vì lợi ích tối đa của người thụ hưởng, Xây dựng danh mục đầu tư đa dạng, Tránh các rủi ro không thích hợp, Tránh xung đột lợi ích...).
Nếu QLR chú trọng đến kết quả thực hiện thì PPR tập trung vào quá trình thực hiện. Ưu điểm của PPR là cho phép xây dựng được một hệ thống các quỹ hưu trí đa dạng hoạt động theo cơ chế DC, đáp ứng được nhu cầu phong phú của người lao động. Nhược điểm của cách tiếp cận này chính là độ phức tạp trong quá trình giám sát. Vì vậy, PPR chỉ được áp dụng tại các nước có thị trường tài chính phát triển và hệ thống pháp luật hoàn chỉnh như Mỹ, EU…
Một số loại quỹ hưu trí dạng DC
Sự ra đời của bảo hiểm hưu trí theo cơ chế DC kết hợp với quy tắc PPR đã dẫn tới sự phát triển đa dạng của các quỹ hưu trí. Hiện tại, ở các nước phát triển, khi triển khai chương trình bảo hiểm hưu trí cho người lao động, người sử dụng lao động phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng một hệ thống các quỹ hưu trí. Mỗi quỹ hưu trí trong hệ thống sẽ áp dụng một chiến lược đầu tư với mức độ rủi ro nhất định. Căn cứ vào các đặc điểm riêng của bản thân, đặc biệt là khả năng chấp nhận rủi ro, người lao động sẽ tự quyết định việc phân bổ tài sản vào hệ thống các quỹ hưu trí đó.
Ưu điểm của chương trình bảo hiểm hưu trí dạng này là sự linh hoạt đối với người lao động. Mặc dù vậy, nhược điểm của nó là người lao động phải được trang bị những kiến thức về tài chính, đầu tư khá chuyên sâu để hiểu được hoạt động của quỹ hưu trí cũng như những đặc điểm của bản thân để từ đó xây dựng được một kế hoạch phân bổ tài sản phù hợp. Mặt khác, nếu cơ quan quản lý áp dụng những quy tắc hạn chế định lượng quá chặt thì sẽ hạn chế đến việc hình thành một hệ thống quỹ đầu tư đa dạng.
Ngoài cơ chế linh hoạt như trên, trường hợp người lao động không thể quyết định được kế hoạch phân bổ tài sản của mình, nhiều chương trình bảo hiểm hưu trí đưa ra một lựa chọn khác gọi là lựa chọn “mặc định”. Thông thường lựa chọn mặc định là một quỹ đầu tư sử dụng chiến lược đầu tư cân bằng theo đó tỷ trọng của các loại tài sản trong danh mục đầu tư được quy định cụ thể trong suốt thời gian hoạt động của quỹ (Ví dụ: Tỷ trọng cổ phiếu là 50%, trái phiếu là 50%...). Theo định kỳ, người quản lý đầu tư sẽ kiểm tra tỷ trọng của các loại tài sản trong danh mục đầu tư và thực hiện điều chỉnh về tỷ trọng mục tiêu nếu cần thiết (Ví dụ: Bán cổ phiếu được xem là over-priced và mua cổ phiếu được xem là under-priced).
Một hình thức lựa chọn mặc định khác là quỹ hưu trí đã xác định sẵn thời điểm kết thúc hoạt động (Target date fund). Người lao động sẽ lựa chọn quỹ hưu trí nào có thời điểm kết thúc hoạt động sát với thời điểm dự kiến về hưu nhất (Ví dụ: Người lao động dự kiến về hưu năm 2030 sẽ lựa chọn 2030 target date fund). Trong giai đoạn đầu, quỹ sẽ tập trung vào các tài sản có mức độ rủi ro cao (Có thể là 90% cổ phiếu, 10% trái phiếu). Trong quá trình hoạt động, tỷ trọng của các loại tài sản có mức độ rủi ro cao sẽ được điều chỉnh giảm dần để đảm bảo càng đến gần thời điểm kết thúc hoạt động thì người lao động sẽ có được một tỷ suất lợi nhuận ổn định.
Quản lý rủi ro cho quỹ hưu trí
Sự khác biệt cơ bản về rủi ro đối với Quỹ hưu trí có mức đóng xác định (Defined Contribution) và Quỹ hưu trí có mức hưởng xác định trước (Defined Benefit) nằm ở rủi ro về đầu tư. Nếu như đối với quỹ DB, doanh nghiệp sẽ phải chịu rủi ro khi giá trị tài sản của quỹ hưu trí giảm mạnh, thì với quỹ DC, rủi ro này đã được chuyển sang cho người lao động. Có thể nói việc các doanh nghiệp tham gia Quỹ hưu trí DC sẽ không phải chịu bất kỳ rủi ro nào. Nếu lợi nhuận của quỹ hưu trí thấp hơn kì vọng, khi đó người lao động sẽ phải chịu phần chênh lệch này.
Đối với quỹ hưu trí DC, nhà quản lý quỹ cũng sẽ không phải ước tính giá trị hiện tại của khoản nợ phải trả trong tương lai (vốn không hề dễ dàng bởi khó có thể xác định chính xác lãi suất chiết khấu trong tương lai), điều này sẽ loại bỏ rủi ro về thanh khoản giữa giá trị về tài sản (asset) và nợ phải trả (liability). “Cơn bão hưu trí” (A Perfect storm pension) - khái niệm ám chỉ khi giá trị tài sản của quỹ hưu trí giảm mạnh xuống dưới giá trị chiết khấu của khoản nợ - vốn xuất hiện tại thời điểm khủng hoảng năm 2000 và 2008 sẽ không xảy ra với Quỹ hưu trí DC. Vì vậy rủi ro về thanh khoản trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ và tài sản của quỹ hưu trí sẽ được giảm tối đa.
Do người lao động sẽ tự lựa chọn quỹ hưu trí theo các hình thức đầu tư khác nhau (cổ phiếu, trái phiếu, công cụ tiền tệ khác..) nên mức độ rủi ro về đầu tư cũng sẽ rất khác nhau theo từng cấu trúc tài sản, cũng như mức chấp nhận rủi ro của người lao động. Nhìn chung, quỹ hưu trí DC sẽ gặp phải các loại rủi ro chính như rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động.
Rủi ro về thị trường - Sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận
Rủi ro về thị trường là rủi ro thất thoát vốn do những biến động bất thường của thị trường gây ra như giá cổ phiếu, biến động của lãi suất. Để giảm thiểu rủi ro về thị trường ở cách thức đơn giản và phổ biến nhất đó chính là tăng tỷ trọng đầu tư của quỹ vào các loại tài sản an toàn.
Tài sản của quỹ hưu trí có thể được đầu tư vào những công cụ tài chính có mức rủi ro thấp hoặc phi rủi ro như trái phiếu Chính phủ. Nhược điểm của loại hình đầu tư trên là mức biến động về lợi nhuận thấp, điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận trung bình thu được của quỹ cũng thấp theo, do đó, sẽ làm giảm mức thu nhập trung bình của người lao động.
Ngoài ra, loại tài sản được coi là an toàn (như trái phiếu Chính phủ) có thể có mức rủi ro thấp trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn thì không phải như vậy. Ví dụ, nếu rủi ro về lạm phát ở mức cao, vậy trái phiếu Chính phủ sẽ có mức lãi suất thực rất thấp. Trong khi đó, loại tài sản được xem như có mức rủi ro rất lớn trong ngắn hạn (như cổ phiếu) trong thực tế lại có thể là một loại tài sản an toàn với mức lợi nhuận và biến động tốt hơn trong dài hạn.
Để giám sát rủi ro về thị trường, các công cụ cơ bản thường được sử dụng như:
- Stress Tests: Thiết lập các kịch bản của thị trường một cách ngẫu nhiên hay được xây dựng bởi dữ liệu trong quá khứ. Đây là một cách thức hiệu quả được sử dụng để rà soát lại vị thế của danh mục đầu tư.
- Value At Risk (VaR): đo lường mức độ tổn thất tiềm năng của danh mục qua một khoảng thời gian nhất định ứng với độ tin cậy cho trước.
Ngoài hai chỉ số chính kể trên, các công cụ khác như kiểm tra khả năng đa dạng hóa về cổ phiếu, ngành nghề đầu tư, tracking error (cho danh mục cổ phiếu) hay PV01, Macaulay Duration (cho danh mục trái phiếu) cũng được sử dụng để quản lý rủi ro cho danh mục đầu tư. Các công cụ giám sát có thể thêm bớt, thay đổi tùy thuộc vào cơ cấu về tài sản, mục tiêu về lợi nhuận, mức độ chấp nhận rủi ro của danh mục.
Rủi ro về tín dụng
Đây là rủi ro khi đối tác mất khả năng thực hiện nghĩa vụ về tài chính, dẫn đến nguy cơ mất vốn đầu tư (trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi tại tổ chức tín dụng). Thông thường trên thế giới, để kiểm soát rủi ro này, các nhà quản lý quỹ sẽ sử dụng bảng xếp hạng về tín dụng do các tổ chức uy tín cung cấp như Moody’s, S&P, Fitch… Tuy nhiên tại Việt Nam, việc xếp hạng tín dụng chưa được phổ biến nên giải pháp duy nhất là áp dụng mô hình tín dụng nội bộ (như mô hình định lượng để đánh giá chất lượng tín dụng của từng tổ chức phát hành của Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt). Ngoài ra mức độ đa dạng hóa về trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi cũng cần phải được giám sát chặt chẽ bằng việc đưa ra các giới hạn đầu tư tối đa vào một tổ chức tín dụng nhằm hạn chế tổn thất nếu có rủi ro phát sinh.
Rủi ro về hoạt động
Cùng với sự trở lại của những cuộc khủng hoảng về tài chính trong những năm qua, các tổ chức tài chính ngày càng chú trọng hơn trong việc áp dụng quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động của mình. Trong một bản nghiên cứu trong năm 2010, 89% các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều đã bổ nhiệm giám đốc về quản lý rủi ro trong vai trò tập trung và giải trình các báo cáo liên quan đến rủi ro của quỹ.
Rủi ro về hoạt động có thể gây nên những tổn thất trầm trọng cho quỹ đầu tư, nguyên nhân xuất phát có thể từ việc không tuân thủ các quy định về rủi ro hoạt động, do hệ thống công nghệ thông tin, quy trình xử lý giao dịch, tiến hành thanh toán chậm trễ, hoặc do bên thứ ba gây ra.
Do đó cần phải có kiểm soát nội bộ để kiểm soát các rủi ro liên quan đến hoạt động quản lý đầu tư như rủi ro hoạt động, rủi ro thương mại. Đối với rủi ro từ bên thứ ba, công ty cần phải tiến hành quy trình due diligence nhằm đánh giá chi tiết về năng lực của đối tác, sự thông qua của Ủy ban Quản lý rủi ro, và cuối cùng thường xuyên giám sát chất lượng của đối tác.
Quỹ hưu trí – Mảnh đất màu mỡ cho các công ty quản lý quỹ
Hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí không được thực hiện trực tiếp bởi người lao động hay doanh nghiệp sử dụng lao động mà sẽ được giao cho các công ty quản lý lý quỹ chuyên nghiệp thông qua hình thức hợp đồng ủy thác. Tại Việt Nam, quỹ hưu trí vẫn là một khái niệm khá mới mẻ và các công ty quản lý quỹ nội địa vẫn đang trong quá trình tìm hiểu cũng như học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc vận hành và quản lý rủi ro cho hoạt động đầu tư của quỹ. Những khảo sát mới đây đã cho thấy tiềm năng huy động quỹ dạng này ở Việt Nam là rất lớn.
Theo điều tra năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với gần 700 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có đến 70% doanh nghiệp mong muốn và sẵn sàng tham gia cho người lao động vào quỹ hưu trí bổ sung. Có thể nói, với sự ra đời và phát triển của Quỹ hưu trí bổ sung đã mở ra cánh cửa mới cho cả người lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động và các công ty quản lý quỹ.