Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 và một số đề xuất
Trong giai đoạn 2011-2019, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng, mức tăng của năm 2018 và 2019 tiếp tục ở mức cao. Tăng trưởng xuất khẩu đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, để mục tiêu tăng trưởng đề ra bình quân 8%/năm cho giai đoạn 2016-2020 và 9%-10%/năm giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh tình hình khu vực quốc tế và diễn biến phức tạp và khó đoán định, cần đưa ra các giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2019
Theo Báo cáo "Tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” của Bộ Công Thương, 2011-2018 là giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu, trong đó, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt mục tiêu đề ra với mức tăng trong 8 năm gấp 2,51 lần, từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 243,48 tỷ USD năm 2018. Xét về quy mô thị trường xuất khẩu, nếu năm 2011 chỉ có 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó, 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 7 thị trường trên 5 tỷ USD). Nhờ đó, Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ hạng 50 thì đến 2017, đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu.
Trong giai đoạn 2011-2018, hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác nhập khẩu vào các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường châu Á luôn duy trì tỷ trọng khoảng từ 51% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; thị trường châu Mỹ và khu vực thị trường châu Âu duy trì trong khoảng 20-23%, châu Phi và châu Đại Dương thấp hơn so với 3 khu vực còn lại, tổng cộng hai khu vực này đạt khoảng 4%.
Đáng chú ý, xuất khẩu năm 2018 đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7-8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8-10%). Tính theo giá trị tuyệt đối, xuất khẩu năm 2018 tăng thêm 28,36 tỷ USD so với năm 2017. Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu và cũng là năm thặng dư cán cân thương mại đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Mức thặng dư kỷ lục đạt được năm 2018 là gần 6,8 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD). Với việc duy trì xuất siêu trong năm 2018, Việt Nam đã đạt xuất siêu trong 6 năm kể từ 2012 - 2018 và chỉ duy nhất năm 2015 có cán cân thương mại thâm hụt. Kết quả này đã góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do những biến động của nền kinh tế toàn cầu, năm 2019, Quốc hội tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu tăng trưởng 7%-8%. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục khởi sắc trong 11 tháng đầu năm 2019. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018 (dù vẫn thấp hơn mức tăng 22,1% của 11 tháng năm 2017 và 14,6% của 11 tháng năm 2018). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8%, chiếm 69% (tỷ trọng giảm 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.
Đáng chú ý, hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp (DN) hoạt động đã và đang là động lực rất lớn phát triển các DN xuất khẩu trong nước, cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các DN. Cùng với tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao, 11 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xuất siêu 9,11 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (7,58 tỷ USD). Dự kiến năm 2019 là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu
Theo mục tiêu đề ra tại Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn 2016-2020, nước ta phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm và giai đoạn 2021-2030 là 9% -10%/năm. Tuy nhiên, những biến động thời gian qua của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu này. Bên cạnh đó, dự báo năm 2020, hoạt động xuất khẩu vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn bởi sức ép cạnh tranh từ các đối thủ khác do họ cũng bị sức ép từ chiến tranh thương mại; Các điều kiện khắt khe hơn để được ưu đãi thuế quan; Xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu…
Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp sau:
Một là, chuyển đổi phương thức xuất khẩu
Theo đó, chuyển từ xuất khẩu qua trung gian sang xuất khẩu trực tiếp; chuyển từ xuất khẩu theo điều kiện giao hàng FOB sang xuất khẩu theo điều kiện giao hàng CIF. Ngoài ra, cần chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong đó, đối với nông sản xuất khẩu, chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm đã chế biến, từ sản phẩm chế biến đơn giản sang sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Đối với hàng công nghiệp xuất khẩu, chuyển từ sản phẩm giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Hai là, nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu
Cùng với việc tham gia nhiều FTA, vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu là yêu cầu bắt buộc, trong đó cần chú trọng:
- Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường.
- Thúc đẩy việc xây dựng, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn riêng phổ biến tại các thị trường xuất khẩu chính có khả năng tạo ra các rào cản thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
- Phổ biến, tư vấn, đào tạo DN sản xuất xuất khẩu về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nước ngoài.
Ba là, củng cố và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu
Cần chú trọng củng cố các thị trường xuất khẩu trọng điểm và truyền thống, đặc biệt chú trọng các thị trường xuất siêu truyền thống (như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu - EU) và các thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu. Tiếp tục đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định thương mại song phương và đa phương theo hướng tạo thuận lợi và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời, nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu, các thị trường tiềm năng và các thị trường ngách để mở ra các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Bốn là, tăng cường vai trò của DN FDI trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam
Thời gian qua, các DN FDI đã có nhiều đóng góp cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Có thể khẳng định, Việt Nam đạt xuất siêu chủ yếu nhờ năng lực xuất khẩu từ khối DN FDI. Trong thời gian tới, để tăng cường vai trò của khối DN này, cần chú trọng: Khuyến khích DN FDI nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực (dệt may, giày dép, điện tử, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị…); Ưu tiên và tạo thuận lợi cho DN FDI tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Khuyến khích, hỗ trợ DN FDI liên kết với DN trong nước trong sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; Có chính sách thu hút nguồn vốn FDI vào phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành có tiềm năng xuất khẩu mà DN trong nước còn yếu…
Năm là, phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành có lợi thế xuất khẩu
Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các mặt hàng đang và sẽ có lợi thế xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu và tăng tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước.
Đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ được thực hiện thông qua xây dựng, triển khai chính sách hỗ trợ đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường.
Sáu là, nâng cao năng lực của DN sản xuất xuất khẩu, đặc biệt DN nhỏ và vừa
Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam có 1 triệu DN, trong đó phần lớn là các DN nhỏ và vừa. Để lượng DN này phát huy hiệu quả hoạt động này, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và nâng cao năng lực, thúc đẩy DN xuất khẩu (hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại...).
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2017), Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
2. Bộ Công Thương (2018), Báo cáo "Tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP";
3. Bộ Công Thương (2019), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018, NXB Công Thương;
4. Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 11 tháng năm 2019;
5. Bảo Ngọc (2019), Sẽ là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu, Báo Công Thương điện tử.