Tỉnh Sóc Trăng:

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng với tổng kim ngạch 1,150 tỷ USD

Theo Tích Chu/Báo Sóc Trăng

Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn còn tương đối thuận lợi thì từ tháng 7, khi dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi khu vực phía Nam, mọi thứ trở nên khó khăn hơn, bức tranh sản xuất, kinh doanh trở nên u ám hơn. Thế nhưng, giữa muôn vàn khó khăn đó, sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu vẫn có được sự tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm sáng góp phần cho kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đạt được mức tăng trưởng dương.

Hạt gạo góp phần làm nên kim ngạch xuất khẩu 1,150 tỉ USD (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Tích Chu
Hạt gạo góp phần làm nên kim ngạch xuất khẩu 1,150 tỉ USD (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Tích Chu

Hiện nay, dù công nghiệp - thương mại - dịch vụ đã có bước phát triển nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn do dịch bệnh, nông nghiệp lại nổi lên với vai trò là trụ đỡ để nền kinh tế của tỉnh đủ sức vượt qua và tăng tốc trở lại.

Năm 2021 là một minh chứng nữa cho vai trò trụ đỡ của nông nghiệp trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, khi hầu hết các chỉ tiêu cùa ngành đều đạt và vượt kế hoạch, giúp kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt tăng trưởng dương dù chỉ là 1,18%.

Năm 2021, dù diện tích xuống giống lúa của tỉnh Sóc Trăng giảm 7,3%, nhưng sản lượng vẫn đạt 2,06 triệu tấn, tức chỉ giảm khoảng 1% so với năm 2020. Không chỉ giữ vững sản lượng trên 2 triệu tấn, Sóc Trăng còn đưa sản lượng lúa thơm và lúa đặc sản lên 1,1 triệu tấn, chiếm 53,4% và tăng 1,28% so với cùng kỳ.

Con số trên thực sự là rất có ý nghĩa khi không chỉ giúp gia tăng giá trị hạt lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn giúp cho việc tiêu thụ được nhanh chóng, dễ dàng hơn, ngay cả trong một số thời điểm khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Điều này được minh chứng rõ nét nhất ở vụ lúa Hè - Thu 2021, trên khắp các vùng trồng lúa của tỉnh không có chuyện lúa tồn đọng trong dân mà lúa chín tới đâu đều được thu hoạch, tiêu thụ hết ngay đến đó. Đó còn là sự nỗ lực của 73 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa trên diện tích 61.922ha, tăng 68% so cùng kỳ.

So với cây lúa, lĩnh vực thủy sản còn khó khăn hơn rất nhiều, bởi các sản phẩm thủy sản từ khai thác đến nuôi trồng rất khó bảo quản trong thời gian dài nên khi thu hoạch xong cần được tiêu thụ, chế biến ngay, trong khi đó, mùa tôm chính vụ và cả vụ khai thác biển chính năm nay hầu như đều rơi vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên từ việc vận chuyển vật tư, nguyên liệu cho đến thu hoạch đều bị ách tắc.

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả khó khăn, bằng các giải pháp linh hoạt trong phòng, chống dịch, sự đồng lòng chung tay của doanh nghiệp, nông, ngư dân, thủy sản vẫn đạt kết quả đúng như mong đợi. Chỉ tính riêng đối tượng nuôi chủ lực là con tôm nước lợ, theo ước tính, diện tích tôm nước lợ năm nay ước đạt 53.000ha, tăng chỉ 2,5% nhưng sản lượng thu hoạch tăng đến 17,8%. Còn khai thác biển dù ảnh hưởng dịch COVID-19, giá xăng dầu tăng cao nhưng cũng có sản lượng tăng 1,3%, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản của tỉnh tăng gần 5%.

Trong bức tranh vượt khó trở thành điểm sáng trong nền kinh tế của tỉnh còn có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực chăn nuôi với tổng đàn gia súc ước đến cuối năm đạt 359.960 con, tăng 8,5% so cùng kỳ. Riêng đàn heo sau thời gian giảm tổng đàn do dịch bệnh và giá heo hơi giảm mạnh cũng đã tăng trở lại với mức tăng 10,48%. Hiện nay, giá heo hơi đang trên đà hồi phục trở lại ở mức trên 5 triệu đồng/tạ (100kg) và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thêm dịp cuối năm do nhu cầu tiêu dùng cao.

Bên cạnh đàn heo, đàn bò của tỉnh tiếp tục được duy trì và đạt mức tăng 0,28%. Điều đáng nói là phần lớn hộ chăn nuôi bò sữa có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, đều bán được sữa với giá ổn định ở mức có lãi, ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Ngoài ra, thế mạnh chăn nuôi gia cầm (lấy thịt và lấy trứng) của tỉnh vẫn được người dân, doanh nghiệp phát huy với tổng đàn ước đạt 6,9 triệu con, tăng 3,35% so với cùng kỳ.

Chính việc giữ vững và gia cố thành trì nông nghiệp chắc chắn, đã giúp cho hoạt động chế biến xuất khẩu của tỉnh duy trì đà tăng trưởng ở mức khá cao. Theo báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Sóc Trăng lần thứ 4, khóa X, hoạt động xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng với tổng kim ngạch 1,150 tỷ USD, vượt 15% chỉ tiêu nghị quyết và tăng 3,17% so cùng kỳ, trong đó, chỉ riêng mặt hàng thủy sản chiếm đến 910 triệu USD (tăng 8,64%) và gạo 190 triệu USD (tăng 13,43%).

Còn theo thông tin từ các doanh nghiệp ngành tôm, đến hết tuần đầu tháng 12 này, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch doanh số xuất khẩu của năm, nhưng lợi nhuận thì không như kế hoạch do hầu hết chi phí thường xuyên lẫn phát sinh (chi phí phòng, chống dịch COVID-19) đều tăng rất mạnh.

Một năm đầy khó khăn, vất vả sắp đi qua. Điểm sáng từ ngành nông nghiệp và lĩnh vực xuất khẩu không chỉ là hình mẫu trong vượt khó mà còn thắp lên niềm tin về một giai đoạn phục hồi kinh tế trong năm 2022 nhanh, mạnh và hiệu quả hơn.