Xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ gặp nhiều thách thức

Theo An Hòa/nhadautu.vn

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản cũng như nhiều ngành sản xuất khác đã 'tê liệt' trong gần 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, trong 3 tháng cuối năm xuất khẩu đã tăng mạnh trở lại và 'bứt phá' ngoạn mục về đích.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Về đích ngoạn mục

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm năm nay sẽ cán đích ở mức gần 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2021, mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động thời tiết, khí hậu bất thường, ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng được sự quan tâm của cơ quan hữu quan và sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp nên kết quả nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt kết quả khá tốt.

Theo đó, diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 630.000ha, còn lại là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng tôm năm 2021 đạt hơn 900.000 tấn, tăng gần 2% so năm 2020, trên 7.600 cơ sở nuôi tôm, sản xuất tôm giống được cấp mã số.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, nếu so với kế hoạch đề ra từ đầu năm (4,4 tỷ USD) thì ngành tôm chưa đạt kim ngạch xuất khẩu như kỳ vọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, kết quả xuất khẩu tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung đã có sự nỗ lực đáng ghi nhận và đặc biệt có sự bức phá vào tháng cuối năm.

Điển hình như trường hợp của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trong tháng 11 đầy khó khăn vẫn nỗ lực chế biến được 2.360 tấn tôm đông lạnh thành phẩm, bằng 122% so cùng kỳ năm trước và sản lượng tôm tiêu thụ 1.697 tấn, bằng 107% so cùng kỳ năm trước. Với những diễn biến trên, phần lớn các doanh nghiệp đều cho biết khả năng hoàn thành kế hoạch doanh số xuất khẩu năm 2021 là rất cao, thậm chí có thể vượt 1 - 2 con số.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), hiện tại tình hình xuất khẩu tôm rất khả quan. Riêng Camimex dự báo sẽ có doanh số xuất khẩu từ bằng đến cao hơn năm trước.

Cũng theo VASEP kim ngạch xuất khẩu cá tra 11 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Dự báo sản lượng cá tra xuất khẩu cả năm 2021 sẽ đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, mặc dù sản lượng tương đương nhưng giá trị tăng 3% so với năm 2020. Xuất khẩu trên đà hồi phục, giá cá tra nguyên liệu cũng đang được cải thiện tăng lên mức 23.000 – 24.000đồng/kg, người nuôi cá đã cắt được lỗ và bắt đầu có được lợi nhuận.

Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm ước đạt 4,75 triệu tấn, tăng khoảng 4,17 % so với năm 2020.

Năm 2022: Lắm cơ hội, nhiều thách thức

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện tại ngành thủy sản Việt Nam đã có nền tảng khá vững chắc, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế. Do vậy, yếu tố quyết định trong cạnh tranh hiện nay là ai kiểm soát được tốt nhất dịch COVID-19 duy trì sản xuất thì sẽ có lợi thế trong mở rộng thị phần xuất khẩu.

"Phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản của nước ta tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long, trong khi vùng này được dự báo ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khi hậu nên thách thức về hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên vật nuôi cũng là rủi ro không thể xem nhẹ nhất là đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại vùng này", Thứ trưởng Tiến lưu ý.  

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung trong năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.

Điển hình như Hàn Quốc, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên sản phẩm tôm theo quy định của Hàn Quốc dài, nên ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm.

Một thị trường khác là Brazil cũng quy định chế độ xử lý nhiệt rất khắt khe so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới, đây cũng là một khó khăn thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cũng theo ông Luân, diện tích thả nuôi cá tra từ tháng 7 - 9/2021 giảm khoảng 30 - 55% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, trong tháng 1 - 3/2022, khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến đối với ngành cá tra xuất khẩu.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Trong 11 tháng đầu năm 2021, có 23 lô hàng cá tra bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm khi thẩm tra, kiểm tra trước xuất khẩu, các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là vi sinh vật như TPC, Coliforms, E.Coli. Số lô hàng bị cảnh báo tại các thị trường tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với đó, thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam là Trung Quốc cũng đã đặt ra nhiều rào cản thương mại như việc Hải quan nước này đã ban hành lệnh 248,249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Lệnh số 248 về quy định đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc. Lệnh số 249 quy định về biện pháp quản lý giám sát an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Ngoài ra, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới vừa là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức đối với các sản phẩm xuất khẩu trong tham gia thị trường toàn cầu.