Học viện Tài chính: Hợp tác nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong cải cách DNNN
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Học viện Tài chính và Viện nghiên cứu Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI) đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách doanh nghiệp Nhà nước Châu Á”
Tham dự Hội thảo có PGS, TS. Nguyễn Trọng Cơ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính; GS. Naoyuki Yoshino, Chủ tịch, Viện trưởng ADBI cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế và các giảng viên của Học viện Tài chính.
Theo PGS, TS. Nguyễn Trọng Cơ, hội thảo sẽ giúp cho Học viện mở ra nhiều định hướng trong việc tiếp cận, nghiên cứu vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong khu vực Châu Á. Đồng thời giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu có cách nhìn đa chiều về DNNN, qua đó, sẽ đóng những ý kiến trong việc cải cách để DNNN phát huy tối đa vai trò của mình trong nền kinh tế Châu Á.
Tại Hội thảo, GS. Naoyuki Yoshino, Chủ tịch, Viện trưởng ADBI cho rằng các DNNN đóng một vai trò không thể thiếu trong các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, để các DNNN Châu Á phát huy hết hiệu suất của mình thì cần phải đột phá trong cải cách DNNN. Thông qua cách thức đổi mới về quản trị DNNN, tạo nên môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm về việc công khai, minh bạch về thông tài chính của DNNN…
Bên cạnh đó, GS. Naoyuki Yoshino cho biết, hiện nay, ADBI đang nỗ lực phát triển một nền tảng phân tích để giúp các DNNN Châu Á đạt được hiệu quả trong việc cải cách DNNN với nhiều hình thức khác nhau. Hội thảo được tổ chức cùng với sự hợp tác của Học viện Tài chính sẽ làm sáng tỏ về các cân nhắc cải cách DNNN cũng như cách giải quyết thách thức quản lý DNNN mới nổi.
Các tham luận của các đại biểu quốc tế và trong nước tại hội thảo được đánh giá là thiết thực, thời sự và mang tính định hướng rõ nét và có giá trị tham khảo rất cao.
Kết thúc hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Trọng Cơ bày tỏ sự cảm ơn tới ADBI đã hỗ trợ Học viện Tài chính mở rộng mối quan hệ giữa các nhà khoa học của Học viện với các nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới.
Các tham luận được trình bày tại hội thảo:
- Từ thị trường đến nhà nước và những nhân tố thúc đẩy và bài học về cải cách ngành điện cho các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Châu Á;
- Tác động hỗ trợ của chính phủ đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước Indonesia;
- Sự khác biệt về hiệu suất giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước: Phân tích khả năng sinh lời và khả năng thanh toán;
- So sánh hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước so với các doanh nghiệp tư nhân ở các nước châu Á mới nổi được lựa chọn;
- Đánh giá hiệu suất và cải cách doanh nghiệp nhà nước: Các trường hợp chuẩn từ Hàn Quốc;
- Kết hợp các nguồn lực của khu vực tư nhân và công cộng: Các nhà máy điện năng cho ngành năng lượng Bangladesh;
- Khung đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước;
- Hiệu ứng lan tỏa của cải cách doanh nghiệp nhà nước, trường hợp của Đường sắt Nhật Bản & Bưu chính Nhật Bản - Cách tiếp cận bằng mô hình Cân bằng tổng thể để tạo nền tảng dịch vụ.