Tái cơ cấu DNNN: 1 mục tiêu hoàn thành, 6 mục tiêu cần thúc đẩy tiếp
Báo cáo về tình tình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tổ chức tín dụng của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy bên cạnh những việc đã làm được thì vẫn còn ngổn ngang nhiều công việc trong lúc thời điểm 2020 đã cận kề.
Theo báo cáo này, Nghị quyết số 24 và các nghị quyết liên quan đã xác định 9 mục tiêu chính về cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước đến năm 2020, gồm 4 mục tiêu định lượng và 5 mục tiêu định tính, với mục tiêu bao trùm là “nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã xác định 8 nhiệm vụ giải pháp giao cho các bộ, ngành. Đồng thời, từ tháng 1/2016 đến tháng 4/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện khung pháp luật về cơ cấu lại DNNN; ban hành 123 văn bản điều hành, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục, đảm bảo quá trình đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại DNNN theo đúng mục tiêu, kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt .
Đánh giá sơ bộ cho thấy, có 1 mục tiêu hoàn thành, 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 6 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN đạt kết quả khá, thực hiện thoái vốn nhà nước thành công tại một số DNNN quy mô lớn. Một số DNNN yếu kém trở lại hoạt động; số nhóm ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh.
Cụ thể, đã cổ phần hóa 145 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 440.067 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 204.547 tỷ đồng, tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 208.900 tỷ đồng, đã bán cho nhà đầu tư chiến lược 61.953 nghìn tỷ đồng; đấu giá công khai 33.768 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 1.593 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 45 tỷ đồng.
Về thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp được 16.463 tỷ đồng, thu về 154.306 tỷ đồng, trong đó: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện thoái vốn tại 114 doanh nghiệp với giá trị 3.693 tỷ đồng, thu về 28.400 nghìn tỷ đồng; thoái 10.747 nghìn tỷ đồng và thu về trên 123.405 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong các lĩnh vực khác. Số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp NSNN từ Quỹ Hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã đạt 115.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận như trên, quá trình cơ cấu lại DNNN vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, cơ cấu lại các DNNN được triển khai chậm so với kế hoạch. Theo kế hoạch, năm 2018 hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (bao gồm: 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018). Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2018 mới cổ phần hóa được 10 doanh nghiệp.
Việc thực hiện các mục tiêu về thoái vốn nhà nước còn khó khăn. Năm 2016, có khoảng 3.000 DNNN nắm giữ ít hơn 50% vốn trong nhiều ngành kinh doanh khác nhau. Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017, năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 30 đơn vị thực hiện thoái vốn (trong đó năm 2017 có 13 đơn vị; 07 tháng đầu 2018 có 17 đơn vị).
Kế hoạch thoái vốn và sử dụng vốn từ thoái vốn tại DNNN cũng chưa cụ thể, chưa tập trung vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực cho nền kinh tế. Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lũy kế từ 01/01/2017 đến tháng 7/2018, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới chuyển giao về SCIC 25 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 953,28 tỷ đồng/2.365 tỷ đồng vốn điều lệ; số chưa chuyển giao là 37 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng/14.721 tỷ đồng vốn điều lệ.
Báo cáo cũng cho hay quyết toán của doanh nghiệp đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần chậm làm ảnh hướng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Việc cơ cấu lại một số dự án đầu tư kém hiệu quả còn chậm. 12 dự án thua lỗ vẫn chưa được xử lý triệt để trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh. Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường.
"Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong khi xảy ra sai phạm cũng như các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc", báo cáo viết.