Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM lần thứ XI: Liên minh chiến lược mới để tăng trưởng bền vững và lợi nhuận
(Tài chính) Với thông điệp hướng tới một liên minh chiến lược mới để tạo ra tăng trưởng bền vững và lợi nhuận, dưới sự chủ trì của ông Pier Carlo Padoan - Bộ trưởng Tài chính Ý, các Bộ trưởng Tài chính của 49 thành viên Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) đã nhóm họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM lần thứ 11 tại Milan, Ý. Thứ trưởng Trương Chí Trung dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Tham gia Hội nghị còn có đại biểu khách mời của các tổ chức quốc tế và khu vực như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế...
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng của hai khu vực, các Bộ trưởng đã nhất trí với nhận định của IMF và các phân tích đánh giá của Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng phát triển Châu Á. Trong khi Châu Á tiếp tục quá trình phục hồi, mặc dù tăng trưởng có chậm lại trong nửa đầu 2014 do quá trình cải cách cơ cấu tại một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, thì tại khu vực Châu Âu, cụ thể là khu vực đồng euro, phục hồi vẫn chậm chạp và không đồng đều. Các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của tiến trình cải cách cơ cấu đối với các nước khu vực đồng euro, đi đôi với những nỗ lực củng cố tài khoá và cải thiện việc làm.
Việc triển khai các thoả thuận tài chính khu vực trong thời gian qua, cụ thể là Cơ chế Ổn định Tài chính (ESM) của Châu Âu và nâng cấp sáng kiến Chiềng Mai để mở rộng quy mô CMIM cũng như đưa Văn phòng Nghiên cứu Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trở thành một tổ chức tài chính khu vực được coi là những sáng kiến quan trọng, góp phần tích cực giúp các nước vượt qua khó khăn và tác động của khủng hoảng trong tương lai. Các Bộ trưởng cũng cho rằng cần khuyến khích tăng cường đối thoại giữa các tổ chức tài chính khu vực và tăng cường hợp tác với IMF, trong khi vẫn duy trì sự độc lập của các tổ chức này. Về kinh tế toàn cầu, các Bộ trưởng Tài chính ASEM, rất nhiều trong số đó là thành viên của G20, đã bày tỏ sự đồng thuận và ủng hộ những chủ trương chính sách của G20, đặc biệt là việc thúc đẩy chiến lược tăng trưởng toàn diện, tăng cường đầu tư, thương mại, thúc đẩy cạnh tranh và đảm bảo tài chính công bền vững.
Chiếm tổng cộng hơn 60% GDP và gần 70% thương mại của kinh tế toàn cầu, khu vực Châu Á và Châu Âu có vai trò hết sức quan trọng, và việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai khu vực có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết tăng cường các dòng đầu tư và thương mại liên khu vực thông qua nền kinh tế thị trường, hệ thống thương mại đa phương mở, tự do hoá không phân biệt đối xử và mở cửa khu vực. Đồng thời các Bộ trưởng cũng kêu gọi doanh nghiệp của cả hai khu vực tích cực củng cố quan hệ đối tác hiện tại và đề xuất các phương thức hợp tác mới trong thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là thực phẩm, nước và năng lượng, cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông tin.
Đoàn Việt Nam hoan nghênh chủ đề “Liên minh chiến lược mới nhằm tạo tăng trưởng bền vững và lợi nhuận” do nước chủ nhà đề xuất cho năm hợp tác ASEM 2014. Đây là chủ đề mà Việt Nam quan tâm và đang tích cực thực hiện, đặc biệt là vấn đề tái cơ cấu kinh tế. Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác trong khu vực và giữa khu vực Á - Âu. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế khu vực, luôn thể hiện là một thành viên có trách nhiệm, Tuy nhiên, diễn đàn hợp tác này cần tăng cường sự tham gia và tiếng nói của các nước đang phát triển và quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của các nước đang phát triển, đặc biệt là vấn đề về huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, phát triển thị trường tài chính, bên cạnh các vấn đề về củng cố tài khoá và thắt chặt quản lý hệ thống tài chính. Việt Nam cũng nhất trí phải tăng cường hợp tác về đầu tư và thương mại giữa các khu vực, đặc biệt trong các nội dung PPP, SME và tài chính toàn diện, tuy nhiên cần đi vào thực chất và tuỳ theo trình độ phát triển của mỗi nước.
Các Bộ trưởng nhất trí sẽ nhóm họp Hội nghị lần thứ 12 tại Mông Cổ vào năm 2016 và giao cho cấp Thứ trưởng Tài chính triển khai các công việc cần thiết để chuẩn bị nội dung và xây dựng chương trình nghị sự.