Hội thảo về đại lý hải quan và quan hệ đối tác

Theo customs.gov.vn

(Tài chính) Trong khuôn khổ dự án xây dựng năng lực hải quan cho các thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) giai đoạn 2012 – 2015 do Cơ quan phát triển Na Uy (Norad) tài trợ, tại Tổng cục Hải quan đã diễn ra hội thảo về đại lý hải quan và quan hệ đối tác.

Hội thảo về đại lý hải quan và quan hệ đối tác
Đánh giá chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan - một trong những hoạt động nhằm cải thiện chất lượng đại lý hải quan. Nguồn: customs.gov.vn

Hội thảo kéo dài từ ngày 07/8 đến 16/8/2013 là hoạt động tiếp nối cuộc hội thảo trước đó đã được tổ chức vào hồi tháng 3/2013.

Tại hội thảo tổ chức vào tháng 3/2013, các chuyên gia đến từ WCO và phía Việt Nam đã thống nhất được trong việc xây dựng nội dung và phương pháp luận của tiểu dự án Đại lý hải quan, đồng thời các chuyên gia đã đưa ra tham vấn dựa trên kết quả của đoàn khảo sát.

Tiểu dự án bao gồm 2 cấu phần lồng ghép với nhau là (i) cấp phép cho ĐLHQ và (ii) sự tham gia của các bên liên quan.

Theo đó, tiểu dự án sẽ hỗ trợ Hải quan Việt Nam trong một số hạng mục chủ yếu, với mục đích đạt được 8 kết quả chính sau trong việc cấp phép cho đại lý hải quan (ĐLHQ): (1) Khung phạm vi hoạt động của ĐLHQ; (2) Liên quan đến việc thực hiện các quy định pháp lý, cần có quy định ràng buộc ĐLHQ và những nhà xuất nhập khẩu như hợp đồng, giấy ủy quyền…; (3) Tăng cường nhận thức cho ĐLHQ về các điều kiện thương mại chuẩn, góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng, làm giảm tranh chấp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thông quan; (4) Xem xét lại các khuôn khổ pháp lý và quy định; (5) Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý; (6) Tăng cường năng lực và kỹ năng của ĐLHQ hiện tại và tương lai; (7) Cải thiện quan hệ giữa hải quan và ĐLHQ, tiến tới xây dựng hiệp hội ĐLHQ và (8) Nâng cao nhận thức của cơ quan hải quan để có một hướng tiếp cận tổng thể đối với quản lý tuân thủ dựa trên quản lý rủi ro.

Về sự tham gia của các bên liên quan, đây là một trong các hoạt động đã có trong Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020, tiểu dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được một số kết quả quan trọng, bao gồm: (1) Tăng cường chiến lược và các hoạt động về sự tham gia của các bên liên quan; (2) Tăng cường kỹ năng tổ chức và (3) Tăng cường hướng tiếp cận, phương pháp luận và hoạt động phục vụ khách hàng.

ĐLHQ là một phần quan trọng trong thương mại và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh mà cả cơ quan hải quan lẫn nhà xuất nhập khẩu đều cần trong việc thông quan hàng hóa. Hải quan Việt Nam đã nhận thấy giá trị của ĐLHQ trong thương mại quốc tế và trong quy trình hải quan tại Việt Nam, đồng thời đã có những bước đi đầu tiên nhằm thiết lập cơ chế cấp phép cho ĐLHQ. Trong Nghị định 14/2010/NĐ-CP và Thông tư 80/2011/TT-BTC, một số chính sách quan trọng đã được tạo lập làm cơ sở cho việc cấp phép ĐLHQ ở Việt Nam. Những điều này nhất quán với thông lệ quốc tế và sẽ là cơ sở bắt đầu cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của WCO đối với Hải quan Việt Nam.​
Trong hội thảo lần này, ông Daniel Perrier (chuyên gia WCO - trưởng đoàn) đã nêu lại sơ bộ những kết quả đạt được của hội thảo hồi tháng 3/2013, đồng thời đưa ra một số vấn đề sẽ phải tập trung giải quyết trong hơn 1 tuần làm việc tới. Cụ thể là: làm rõ vấn đề ĐLHQ, cấp phép ĐLHQ và quản lý sự tuân thủ của ĐLHQ; đưa ra một định nghĩa chính xác về ĐLHQ, nhằm xác định những việc ĐLHQ được làm, nhưng việc không được làm và những dịch vụ họ có quyền cung cấp; tăng cường khả năng đại diện, tham vấn cho doanh nghiệp của ĐLHQ bằng cách xúc tiến thành lập một hiệp hội ĐLHQ; đặc biệt là xem xét và đưa ra những khuyến nghị hoàn thiện văn bản mà Tổng cục Hải quan đã dự thảo về việc cấp phép ĐLHQ bởi đây là một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho hoạt động của đối tượng này.
Với đại diện của các đơn vị liên quan như Cục Giám sát quản lý, Ban Cải cách hiện đại hóa, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ… các bên tham gia hội thảo sẽ chia thành hai nhóm thảo luận về những vấn đề chi tiết nhằm giải quyết những vấn đề được nêu ra ở trên.
 
Ngoài ra, hội thảo cũng sẽ tổ chức một hội nghị bàn tròn với các ĐLHQ, tập trung thảo luận các vấn đề: Đề xuất sửa đổi việc cấp phép; nhu cầu hiểu biết về ĐLHQ, đào tạo và kiểm tra; thành lập hiệp hội ĐLHQ và phát triển thực hành “thương mại chuẩn”. Phía chuyên gia WCO yêu cầu mời các ĐLHQ theo diện rộng để đảm bảo tính đại diện và đảm bảo những người tham gia là những người hiện đang chuẩn bị thay mặt cho doanh nghiệp làm công tác khai hải quan.
 
Tiểu dự án ĐLHQ dự kiến kéo dài khoảng 3 năm. Kế hoạch làm việc 2 năm đầu đã được xây dựng xoay quanh 2 hoạt động chính là cấp phép cho ĐLHQ và sự tham gia của các bên liên quan. Để đảm bảo tiểu dự án thành công, Hải quan Việt Nam phải đóng vai trò tích cực và cam kết về những kết quả đầu ra mà các bên đã thống nhất.
Để xây dựng cơ sở và minh họa tiến triển trong việc cộng đồng doanh nghiệp sử dụng ĐLHQ, Hải quan Việt Nam cần thu thập các dữ liệu cụ thể, bao gồm những thông tin sau:
a, Số người đã có chứng chỉ nghiệp vụ hải quan;
b, Số doanh nghiệp đăng ký làm ĐLHQ;
c, Số ĐLHQ đăng ký nộp tờ khai hải quan trong năm vừa qua;
d, Tỉ lệ % tờ khai hải quan do ĐLHQ nộp vào năm 2012, so sánh với tổng số tờ khai hải quan được nộp;
e, Số người được đào tạo về ĐLHQ, trong đó có bao nhiêu người thi và đỗ hàng năm.​