Hơn 782 tỷ đồng dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường dịp tết
Sở Công thương tỉnh Hậu Giang vừa xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Sở Công thương tỉnh Hậu Giang vừa xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, bằng nguồn vốn tự cân đối, có 9 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia công tác bình ổn thị trường với tổng giá trị hàng hóa ước đạt trên 332 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng so với năm trước.
Riêng tình hình chuẩn bị tết tại các địa phương, tổng giá trị hàng hóa tại 8 huyện, thị xã, thành phố dự kiến dự trữ để buôn bán phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp tết là trên 450 tỷ đồng, tăng 130 tỷ đồng so với tết năm 2022.
Các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn chủ yếu là các nhóm lương thực (gạo, mì gói, bún khô, phở khô...), đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản (chế biến và tươi sống), các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán: bánh mứt kẹo, nước giải khát, hoa tươi…
Ngoài ra, đối với các mặt hàng thiết yếu, nhu cầu sử dụng cao như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng lượng dự trữ so với năm 2022 từ 15 tỷ đồng lên trên 197 tỷ đồng, nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh tăng cao vào cuối năm, giá cả các mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng được điều chỉnh giá theo giá của Bộ Công thương và Bộ Tài chính.
Chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2022, đầu năm 2023 xây dựng kịp thời góp phần đảm bảo nguồn cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân về các mặt hàng thiết yếu trong tỉnh. Khuyến khích đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối bình ổn thị trường, hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đảm bảo thông tin thông suốt, có giải pháp kịp thời ứng phó khi thị trường có biến động. Phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa và mở rộng thị trường.