Chợ truyền thống vắng khách, tiểu thương không trữ hàng Tết
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức mua tại các chợ truyền thống (chợ bán sỉ và bán lẻ) sức mua đều giảm. Thời điểm cuối năm Dương lịch và Tết Nguyên đán đang gần kề nhưng nhiều tiểu thương chỉ kinh doanh cầm chừng, không dám nhập hàng trữ bán vào dịp Tết như mọi năm. Các đơn hàng từ tỉnh phải đặt cọc trước mới nhập hàng...
Sức mua ở chợ truyền thống chậm
Sau một thời gian dài tạm đóng cửa để phòng chống dịch COVID- 19, đến nay hầu hết các chợ truyền thống trên địa bản TP. Hồ Chí Minh đã hoạt động bình thường.
Tại Chợ Bà Chiểu (Quận Bình Thạnh) các khu bán hàng thực phẩm tươi sống, rau củ, thức ăn có không khí mua bán khá tấp nập, còn các khu bán hàng quần áo, bánh kẹo thưa vắng khách hơn.
Bà Nguyễn Kim Huyền - Chủ sạp kinh doanh thực phẩm khô tại chợ Bà Chiểu cho hay những năm trước, thời điểm này các tiểu thương trữ hàng bán Tết rất nhiều. Nhưng hiện nay, sức mua rất chậm nên hầu như không ai dám trữ hàng nhiều mà chỉ đủ hàng bán cầm chừng. Hơn nữa nhiều mặt hàng giá tăng rất cao nhất là các loại bánh kẹo nhập ngoại nên người tiêu dùng không mua sắm nhiều, tiết kiệm chi tiêu. Chẳng hạn giá hộp kẹo chocolate 300g của M&M có giá 450 ngàn đồng/ hộp trong khi năm ngoái giá chỉ 350 ngàn đồng/hộp. Các loại bánh ngọt của Thái Lan, Malaysia cũng có giá 250- 300 ngàn đồng/ hộp tăng khoảng 15- 20% so với năm ngoái.
Nhiều tiểu thương cho hay, giá hàng hóa nhập ngoại tăng do nguồn cung nhập khẩu và chi phí tăng do ảnh hưởng từ dịch bệnh, giãn cách kéo dài. Còn các loại bánh, mứt trong nước sản xuất cũng tăng giá từ 20 - 30% so với trước lúc bùng phát dịch bệnh do các cơ sở thiếu nhân công, giá nguyên vật liệu tăng cao, giá đường cũng liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Tại các chợ bán sỉ như Chợ An Đông, Bình Tây tình hình mua bán cũng vắng vẻ. Chủ sạp kinh doanh bánh mứt Thiên Huệ (Chợ Bình Tây) cho hay, do giá hàng hóa tăng cao nên chỉ nhập hàng theo đơn đặt hảng. Các đơn hàng ở tình cũng không cho khách hàng gối đầu nhiều (lấy hàng trước trả tiền sau) bởi tình hình kinh doanh khó khăn, nguồn vốn rất hạn hẹp khó xoay sở dịp cuối năm.
Ở các sạp kinh doanh quần áo ở chợ Bình Tây cũng đã mở cửa buôn bán trở lại nhưng hầu như rất ít khách đến mua hàng. Hiện đơn hàng từ các tỉnh hầu như không có, khách vãng lai chỉ lác đác nên các cửa hàng không nhập hàng mới mà chủ yếu chỉ bán hàng tồn - Bà Nguyễn Kim Oanh - Chủ sạp quần áo thời trang ở chợ Bình Tây chia sẻ.
Tiểu thương giảm lượng hàng dự trữ bán Tết
Theo đánh giá của nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Bình Tây sức mua tại chợ rất yếu, khách đến chợ vắng. Nhiều tiểu thương chuyển sang bán hàng online, bán qua mạng xã hội để có thêm đơn hàng. Song do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, khách nước ngoài không có do dịch bệnh nên hoạt động mua bán cuối năm khá ảm đạm.
Do thời gian giãn cách xã hội khá dài, nhiều loại thực phẩm khô, bánh mứt, hạt các loạt bị lên dầu, hết hạn sử dụng nên tiểu thương phải bỏ đi, thiệt hại không nhỏ. Chính vì vậy, toàn bộ tiểu thương đều không dám trữ hàng bán Tết mà chỉ lấy một lượng đủ bán hoặc khách mua đến đâu thì nhập hàng đến đó.
Theo Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban quản lý chợ Bình Tây, các sạp hàng mở bán nhiều tại chợ thuộc ngành thực phẩm, nhu yếu phẩm, còn các sạp kinh doanh quần áo, giày dép, thủ công mỹ nghệ vẫn còn đóng cửa khá nhiều. Tuy hoạt động ở bình thường trở lại song hoạt động mua bán năm nay rất chậm và khó khăn. Do là chợ bán sỉ nên khi dịch bệnh ở các tỉnh bùng phát mạnh cũng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua bán tại chợ, sức mua chỉ còn 20 - 30% so với trước đây.
Trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn, để duy trì hoạt động buôn bán nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống cũng đã nhanh nhạy thay đổi hình thức kinh doanh theo xu thế trực tuyến hóa các sản phẩm buôn bán, kết hợp giữa bán trực tiếp và online để tăng thu nhập. Nhiều tiểu thương cũng kỳ vọng dịch bệnh kiểm soát tốt, thời gian càng về cuối năm và cận Tết hoạt động mua bán sẽ sôi động hơn.