Hồng Kông cảnh giác với tội phạm tiền điện tử gia tăng
Hồng Kông mong muốn đẩy thúc đẩy giao dịch bán lẻ trực tuyến bằng việc mở rộng sử dụng ví kỹ thuật số, nhưng đây cũng có thể là lối vào cho tội phạm tài chính thông qua tiền điện tử.
Ví kỹ thuật số sẽ phủ rộng
Theo Báo cáo Thanh toán Toàn cầu năm 2022 do công ty công nghệ tài chính FIS của Mỹ công bố gần đây, ví điện tử dự kiến sẽ vượt qua thẻ tín dụng để trở thành phương thức thanh toán điện tử phổ biến nhất ở Hồng Kông vào năm 2025, giúp đẩy nhanh nỗ lực mở rộng giao dịch bán lẻ trực tuyến tại khu vực này. Cụ thể, trong thương mại điện tử, ví kỹ thuật số sẽ chiếm 40% giá trị giao dịch trực tuyến của thành phố vào năm 2025, vượt qua thẻ tín dụng.
Daniel So, Giám đốc thanh toán tại Worldpay từ FIS cho biết, người Hồng Kông đang chuyển sang sử dụng ví kỹ thuật số vì phương thức thanh toán trực tuyến này đã trở nên thuận tiện hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, ví kỹ thuật số là một tài khoản tài chính điện tử cho phép người dùng lưu trữ tiền, thanh toán và theo dõi các giao dịch trực tuyến, thông qua một ứng dụng được cài đặt trên thiết bị thông minh của người dùng. Các ví dụ điển hình ở Hồng Kông là Alipay, WeChat Pay, Tap & Go và Octopus, đây là bốn nền tảng thanh toán kỹ thuật số được chính quyền thành phố chỉ định cho chương trình chứng từ tiêu dùng.
“Cụ thể, Alipay, WeChat Pay, Tap & Go và Octopus đã thu hút hơn 4,7 triệu người dùng mới và 96.000 người bán mới ở Hồng Kông vào cuối năm 2021. Các chương trình khuyến mãi địa phương của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding cũng đã giúp mở rộng việc sử dụng ví kỹ thuật số trong thành phố.
Việc sử dụng ví kỹ thuật số ngày càng tăng ở Hồng Kông làm tăng lợi nhuận cho thị trường thương mại điện tử của thành phố. Báo cáo Thanh toán Toàn cầu của FIS dự kiến sẽ tăng 10% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm để đạt 31,2 tỷ USD Mỹ vào năm 2025. Tuy nhiên, thẻ tín dụng sẽ vẫn là hệ thống thanh toán thống trị cho các giao dịch tại điểm bán hàng tại các cửa hàng truyền thống, chiếm hơn 50% giá trị giao dịch vào năm 2025”, Daniel So chỉ ra.
Theo Bộ trưởng Paul Chan Mo-po thông tin trên Financial, việc áp dụng ví kỹ thuật số ở Hồng Kông dự kiến sẽ nhận được một sự thúc đẩy lớn nữa khi chính phủ bắt đầu phân phát 10.000 đô la Hồng Kông (1.277 USD Mỹ) trong các chứng từ kỹ thuật số mới cho 6,3 triệu cư dân đủ điều kiện từ tháng tới. Vòng chứng từ kỹ thuật số trước đó tiêu tốn của chính phủ 36 tỷ đô la Hồng Kông và kích thích tăng trưởng ít nhất 0,7%, trong khi hóa đơn cho vòng mới nhất ước tính đạt 66,4 tỷ đô la Hồng Kông và dự kiến sẽ nâng nền kinh tế lên 1,2%.
Trước đó, vào tháng 6/2021, Giám đốc tài chính của đặc khu Hồng Kông đã cho biết kế hoạch chứng từ tiêu dùng của thành phố, nhằm thúc đẩy người dân hướng tới việc chấp nhận thanh toán điện tử và đặt nền tảng cho một cuộc chuyển đổi kỹ thuật số sẽ mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho các cư dân trẻ.
Hồng Kông hiện đang xem xét triển khai đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, sau sự thúc đẩy tích cực của Trung Quốc đối với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Do đó, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đang khám phá một loại tiền kỹ thuật số gọi là e-HKD sẽ được công chúng sử dụng để mua sắm, ăn tối hoặc chuyển tiền.
Trong một nghiên cứu của FIS vào năm ngoái, hơn một phần ba cư dân Hồng Kông cho biết họ sẽ sử dụng tiền điện tử hoặc tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương làm phương thức thanh toán trong 5 năm tới.
Nguy cơ tội phạm tiền điện tử gia tăng
Có thể thấy, điền điện tử có nhiều lợi thế về mặt lý thuyết so với tiền định danh. Tuy nhiên, chúng cũng mang lại nhiều lợi ích thực sự cho những kẻ đầu cơ, băng nhóm tội phạm, tin tặc ransomware và những kẻ rửa tiền...
Vừa qua, cơ quan Hải quan Hồng Kông đã đóng cửa một tổ chức rửa tiền và xử lý hơn 1,2 tỷ đô la Hồng Kông (155 triệu USD Mỹ) trong các quỹ bất hợp pháp bằng cách sử dụng tiền điện tử.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Blockchain đánh giá, với sự phổ biến của tội phạm sử dụng các phương pháp như vậy để rửa tiền và thực hiện tất cả các loại giao dịch bất hợp pháp, thì một trung tâm tài chính toàn cầu như Hồng Kông sẽ khó có thể thoát khỏi xu hướng này. Sự phức tạp về kỹ thuật và số tiền khổng lồ liên quan đồng nghĩa với việc chính quyền phải coi vụ việc này như một lời cảnh tỉnh, đặc biệt là xem xét sự dễ dàng của các loại tiền tệ có thể được chuyển vào và ra khỏi thành phố.
Từ tháng 2/2020 đến tháng 5 năm nay, đối tượng rửa tiền đã thu được 880 triệu đô la Hồng Kông (113 triệu USD Mỹ) bằng cách sử dụng các công ty trá hình để mở tài khoản ví điện tử giao dịch đồng USDT. Ngoài ra, 350 triệu đô la Hồng Kông (45 triệu USD Mỹ) khác được rửa thông thường thông qua các tài khoản ngân hàng do các công ty trá hình thiết lập.
Hải quan Hồng Kông cho biết, họ phải tăng cường hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý khác để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tội phạm xuyên biên giới, không chỉ rửa tiền thông qua tiền điện tử vốn dĩ rất khó theo dõi, các sàn giao dịch ngầm trên các “Web đen” có thể ngụy trang các giao dịch dưới các lớp bí mật bổ sung.
Trong tương lai, chính quyền Hồng Kông cần phải đặc biệt cảnh giác với những tội phạm tài chính được kích hoạt bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ.