Bitcoin giảm sâu, thị trường tiền điện tử bị “bóp nghẹt”

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Mới đây, ngân hàng UBS của Thụy Sĩ đã cảnh báo về một “mùa đông” tiền điện tử, thời điểm giá sụt giảm và khó có thể phục hồi trong thời gian dài.

BTC đang giao dịch ở mức 35.344 USD/BTC, tăng 1,5% so với giá của ngày 23/1
BTC đang giao dịch ở mức 35.344 USD/BTC, tăng 1,5% so với giá của ngày 23/1

Việc bán tháo liên tục của thị trường tiền điện tử đã xóa sổ hơn 1 nghìn tỷ USD giá trị. Giá Bitcoin (BTC) cũng đã giảm xuống dưới mức hỗ trợ 38.000 USD/BTC cho thấy khả năng thị giá sẽ sụt giảm thêm nữa trong phiên tới.

Theo đó, BTC đang giao dịch ở mức 35.344 USD/BTC, tăng 1,5% so với giá của ngày 23/1. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên kênh YouTube InvestAnswers, chuyên gia tiền điện tử Benjamin Cowen đã đề xuất một mức giá sàn có thể xảy ra với Bitcoin. Ông tuyên bố rằng, 30.000 USD là mức giá quan trọng.

“Một điều cần chú ý là chỉ số sức mạnh (RSI) đang ở mức quá bán, chỉ số này đo lường một tài sản được định giá quá cao hay được định giá thấp hơn. Bitcoin đang gần đạt đến mức chưa từng thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào tháng 3/2020, ngụ ý rằng BTC hiện đang bị định giá thấp”, Cowen phân tích.

Cùng với đà giảm giá của BTC, tiền điện tử lớn thứ hai thế giới đã giảm xuống dưới 2.500 USD/ETH vào ngày 23/1 theo ghi nhận của TheCoinRise. Dữ  liệu  từ CoinMarketCap cũng cho thấy, khối lượng giao dịch của ETH đã giảm 39,52% với mức giảm 49,66% theo vốn hóa thị trường.

Mới đây, UBS - ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ đã cảnh báo về một “mùa đông” tiền điện tử, thời điểm giá sụt giảm và khó có thể phục hồi trong thời gian dài. Các nhà phân tích của ngân hàng, dẫn đầu là James Malcolm, đã giải thích trong một lưu ý cho khách hàng các lý do tại sao tiền điện tử có thể mất sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong năm nay.

Thứ nhất, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được thiết lập để giảm sự hấp dẫn của tiền điện tử, đặc biệt với Bitcoin (BTC), đồng tiền được nhiều nhà đầu tư coi là một phương tiện lưu trữ giá trị thay thế tốt. Tuy nhiên, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay. Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon gần đây cho biết, Fed có thể sẽ phải tăng lãi suất ngắn hạn hơn 4 lần trong năm 2022. Cùng quan điểm này, ngân hàng Goldman Sachs và GS. Tài chính Jeremy Siegel của Wharton cũng kỳ vọng, Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần so với những gì thị trường mong đợi.

Thứ hai, một số nhà đầu tư đang ngày càng nhận ra Bitcoin không phải là một loại tiền tốt vì tính biến động cao của nó. Ngoài ra, nguồn cung hạn chế của tiền điện tử khiến nó trở thành một loại tiền tệ không linh hoạt; và công nghệ Blockchain khó có thể mở rộng quy mô vì thiết kế phi tập trung của nó.

Thứ ba, một rào cản lớn khác đối với tiền điện tử đó là quy định. Khi việc đầu cơ tiền điện tử đang lan rộng, chắc chắn sẽ mời gọi sự giám sát chặt chẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ sự ổn định tài chính ở các quốc gia. "Các dự án stablecoin và Defi (tài chính phi tập trung) đang bùng nổ, chắc chắn các dự án sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn từ chính quyền trong những tháng tới”, UBS giải thích thêm.

Trong khi đó, Mỹ được cho là đang soạn thảo một chiến lược toàn Chính phủ về tài sản tiền điện tử. Hơn nữa, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), Gary Gensler cũng cho biết, việc điều chỉnh các sàn giao dịch tiền điện tử là ưu tiên hàng đầu của SEC trong năm nay.

Cụ thể, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang soạn thảo một chiến lược liên quan đến tiền điện tử như một chỉ thị hành pháp, dự kiến sẽ được trình lên Tổng thống trong những tuần tới và có thể được phát hành ngay trong tháng tới. Chỉ thị sẽ trình bày chi tiết những thách thức về kinh tế, quy định và an ninh quốc gia do tiền điện tử gây ra. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên bang khác nhau cân nhắc với các đánh giá của họ về rủi ro và cơ hội của tiền điện tử.

Ví dụ, Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính sẽ đánh giá các tác động hệ thống có thể có của tài sản kỹ thuật số. Một báo cáo khác sẽ xác định việc sử dụng bất hợp pháp tiền điện tử.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ cân nhắc về triển vọng phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Mới đây, Fed đã đưa ra một báo cáo được chờ đợi từ lâu về CBDC và trưng cầu kiến công chúng cho đến ngày 20/5.

Trước đó, nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng, Mỹ đang tụt hậu so với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc trong việc phát triển CBDC. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed, Jerome Powell khẳng định, Mỹ không bị tụt lại phía sau và đồng Đô la Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới hoàn toàn không có rủi ro.