Họp ban chỉ đạo dự án Quỹ tín thác đa biên giai đoạn 2 (MDTF 2)
(Tài chính) Ngày 01/2/2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã có buổi họp ban chỉ đạo dự án Quỹ tín thác đa biên giai đoạn 2 (MDTF2). Tham dự cuộc họp có đại diện các nhà tài trợ liên quan do bà KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) dẫn đầu và đại diện các thành viên Ban chỉ đạo dự án MDTF2, các đơn vị quản lý dự án ODA của Bộ Tài chính Việt Nam.
Hơn nữa các mục tiêu và kết quả sửa đổi được xây dựng trên kết quả dự kiến của các đề án phê duyệt mà “các chiến lược, đề án do các cục, vụ triển khai trong hai năm qua dưới sự hỗ trợ của MDTF2 là những đề án có sự ưu tiên trong cải cách tài chính công và phù hợp với các mục tiêu chung của MDTF2” và "các đề án được hỗ trợ bởi MDTF2 có tầm quan trọng trong các cải cách quản lý tài chính chính công của Việt Nam" (Biên bản Ghi nhớ Đánh giá giữa kỳ) nên những mục tiêu và kết quả sửa đổi có sự phù hợp ở mức độ cao với các ưu tiên cải cách tài chính công của Chính Phủ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Bá Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính đã báo cáo về tình hình thực hiện và các kết quả đạt được của dự án MDTF2 trong năm 2013 và dự kiến kế hoạch cho chuẩn bị kết thúc dự án MDTF2 vào năm 2013.
Theo ông Nguyễn Bá Toàn cho biết, để tiếp nối những kết quả cải cách đạt được, duy trì những thành công và tăng tính bền vững của Quỹ tín thác đa biên giai đoạn 1, giai đoạn 2 của Dự án Quỹ tín thác đa biên đã được xây dựng do Chính phủ các nước Canada, Đan Mạch, EC, Hà Lan, Thụy Sỹ và Úc tài trợ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05/05.2008. MDTF2 bắt đầu từ năm 2009 và dự kiến ban đầu là sẽ kết thúc vào năm 2012, sau đó có phê duyệt sửa đổi Hiệp định sự điều chỉnh Khung kết quả thực hiện và gian hạn thời gian thực hiện dự án đến hết 31/12/2013. Về tiến độ thực hiện của dự án đã có những tiến triển nhanh hơn nhiều so với năm 2011 do các vướng mắc trước đây đã được háo gỡ, việc phối hợp thực hiện giữa các bên tham gia đã nhịp nhàng hơn.
Về tiến độ thực hiện IP1, tính đến tháng 12/2012, Kế hoạch Tổng thể IP1 đã hoàn thành 13/16 đề án được phê duyệt. Hiện nay, việc thực hiện kế hoạch IP1 chủ yếu tập trung vào thực hiện các hoạt động của 03 đề án được phép kéo dài còn lại của IP1 là đề án “Xây dựng một cửa quốc gia” của Tổng cục Hải quan; đề án ‘Xử lý rủi ro đối với các khoản vay lại ODA’ và đề án “Xây dựng chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với Bảo hiểm Nông nghiệp”. Một số hoạt động của 03 đề án này cũng đã hoàn thành, hiện nay các đơn vị đều đang gấp rút hoàn thành việc thuê tuyển tư vấn đề có thể thực hiện nốt các hoạt động còn lại. Về kế hoạch IP2 tính đến tháng 12/2012 đã có 02/14 đề án hoàn thành. Các đề án còn lại hiện đang được các đơn vị triển khai thực hiện với tiến độ khá tốt và cố gắng hoàn thành đúng kế hoạch đã đề ra.
Để tiếp tục triển khai các đề án theo đúng kế hoạch, các đơn vị chức năng đã có những báo cáo về tiến độ thực hiện đề án, trong đó cũng có những ý kiến kiến nghị Ngân hàng thế giới và các nhà tài trợ giúp đỡ về vấn đề chính sách tài chính trong quá trình thực hiện đề án và phê duyệt chủ trương cho phép sử dụng ngân sách dôi ra của IP1 và IP2 để tài trợ cho một số đề án bổ sung theo thứ tự ưu tiên cải cách của Bộ Tài chính và tuân thủ theo đúng quy định của dự án và đạt được kết quả tốt nhất.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, bà Victoria Kwakwa cho biết, World Bank sẵn sàng chia sẻ với Bộ Tài chính về xây dựng cơ chế, chính sách khi triển khai thực hiện đề án và mong muốn các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính tích cực triển khai đề án để dạt những kết quả tốt nhất, kịp thời và đúng tiến độ. Tuy nhiên, Bà KwaKwa cũng bày tỏ sự thất vọng với quyết định rút đề án “Xây dựng một cửa quốc gia” của Tổng cục Hải quan ra khỏi chương trình của MDTF2, nhưng rất tôn trọng quyết định của Chính phủ cũng như của Bộ Tài chính Việt Nam.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng hy vọng và mong rằng, để hoàn thành trọn vẹn kế hoạch đã đề ra, các đơn vị thành viên và Ban Quản lý dự án cần phải cố gắng nỗ lực và chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nhiều nhất có thể, dự án cũng cần sự chỉ đạo sát sao hơn nữa của Ban chỉ đạo, sự phối hợp kịp thời và nhanh chóng hơn nữa từ World Bank trong suốt thời gian thực hiện còn lại.