Hợp tác an ninh Việt Nam – Nhật Bản trước động thái cứng rắn của Trung Quốc
(Tài chính) Trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc luôn nói với thế giới về cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” với hàm ý sự phát triển về quân sự và kinh tế của Trung Quốc không đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Tuy nhiên, một loạt những sự kiện trên biển Hoa Đông và biển Đông cho thấy sự “trỗi dậy” làm mất ổn định và hòa bình khu vực của Trung Quốc.
Năm 2009, Trung Quốc đệ trình đường chín đoạn bao trùm 80% biển Đông gây bất bình trong dư luận quốc tế. Năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam và đóng một đơn vị đồn trú quân để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông. Cuối năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Đỉnh điểm là đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đồng thời huy động một lực lượng lớn tàu hộ tống các loại, bao gồm cả tàu quân sự, có máy bay yểm trợ, liên tục tấn công các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam tại khu vực này. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với các thỏa thuận cấp cao Việt Nam. Mục đích của hành động này không hẳn là sự tranh giành năng lượng và nguồn lợi thủy sản bởi Trung Quốc phải mất những khoản chi phí khổng lồ để có thể duy trì giàn khoan. Mục đích chính của Bắc Kinh là xác lập chủ quyền trên biển Đông, vùng biển có vai trò kết nối thương mại giữa Trung Quốc và Đông Bắc Á, giữa Trung Quốc với các hòn đảo ở Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ, Iran,…
Liên quan đến Nhật Bản, hành động của Trung Quốc còn nhằm thử phản ứng của Mỹ sau tuyên bố của Tổng thống Obama phản đối cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng vũ lực, ủng hộ Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Thông qua việc đặt giàn khoan, Trung Quốc thể hiện quyết tâm không nhân nhượng trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển với Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản đang có mối quan hệ ngày càng sâu sắc với nhiều chuyến thăm cấp cao từ hai phía trong thời gian qua. Việt Nam là nước không có mâu thuẫn về lãnh thổ với Nhật Bản, sẵn sàng chia sẻ quan điểm với Nhật Bản trên nhiều vấn đề. Nhật Bản mong muốn nhận được sự ủng hộ tích cực từ các nước trong khu vực về mặt chính trị. Sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, ngày 22/5/2014, bên lề Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á”, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đã hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã sớm lên tiếng ủng hộ lập trường chính đáng và hợp pháp của Việt Nam, đồng thời kêu gọi hai nước cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.
Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ Nhật Bản đặc biệt quan ngại về những căng thẳng trong khu vực xuất phát từ hành động Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát và tuân thủ luật pháp và ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam. Nhật Bản và Việt Nam đồng ý tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, phê phán những hành động của Trung Quốc gây mất ổn định trên biển Đông. Dự kiến vào cuối tháng 6, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ gặp gỡ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhằm thúc đẩy việc Nhật Bản cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, chính phủ Nhật Bản đang thảo luận về quyền phòng thủ tập thể, có ý kiến cho rằng khi quyền phòng thủ tập thể được áp dụng, Nhật Bản có thể trợ giúp Việt Nam trước động thái cứng rắn của Trung Quốc. Về vấn đề này, ông Narushige Michishita, giáo sư, tiến sĩ Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Nghiên cứu chính sách quốc gia (GRIPS) cho hay: “Điều này hoàn toàn hợp lý về nguyên tắc, nhưng việc trợ giúp có thực hiện được hay không lại là vấn đề khác. Nếu Nhật Bản chủ trương công khai hỗ trợ Việt Nam có thể khiến Trung Quốc cảm thấy không hài lòng và sẽ có những động thái đáp trả Nhật Bản. Ngoài ra, khi Chính phủ Nhật Bản công khai tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam, Tokyo sẽ vấp phải không ít trở ngại từ những nhân vật trong giới chính trị có quan điểm trái chiều. Quan hệ Trung – Nhật sẽ gặp nhiều trắc trở về mặt ngoại giao. Để tránh điều này, thay vì triển khai ồ ạt quy mô lớn, Tokyo có thể từng bước hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh. Hai bên có thể bắt đầu từ các hoạt động nhỏ lẻ như trao đổi quân nhân, xây dựng năng lực quân sự, hỗ trợ các trang thiết bị hay tập trận ở quy mô nhỏ”.
Trong tình hình hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đều càng nhận thấy nhu cầu hợp tác về an ninh và phải có sự đổi mới tư duy trong việc nhìn nhận và đánh giá các quan hệ quốc tế. Hai nước cần ủng hộ lẫn nhau trong bối cảnh khu vực Đông Á và biển Đông có nhiều nguy cơ bất ổn do các hành động cứng rắn của Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo:
- Japan, Vietnam criticize China for instability in South China Sea, http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/Japan-Vietnam-criticize-China-for-instability-in-South-China-Sea
- Quyền phòng thủ tập thể giúp Đông Nam Á đương đầu với Trung Quốc, Bài phỏng vấn ông Narushige Michishita, TTXVN - Tài liệu tham khảo đặc biệt 21/5/2014.
- Đại tá Lê Thế Mẫn, Ván cờ lớn nhiều tham vọng, Báo Thế giới và Việt Nam số 21 (1052), 22-28/5/2014.