Hợp tác fintech - ngân hàng: Vì sao chưa xuôi chèo mát mái?
Các công ty fintech có tối đa lợi thế về công nghệ, cung cấp dịch vụ tài chính nhanh, thuận tiện hơn, chi phí cũng thấp hơn.
Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với dịch vụ tài chính truyền thống, cả về mô hình kinh doanh và mô hình quản trị, về thị phần/doanh thu và khách hàng cũng như kênh phân phối và sản phẩm dịch vụ mới.
Xu thế không thể đảo ngược
Hợp tác với một công ty fintech để triển khai kênh giao dịch Facebook Fanpage, Ngân hàng Quân đội (MBBank) kỳ vọng thu hút khoảng 500 nghìn khách hàng mới năm 2018, đồng thời cải thiện quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ với chất lượng tốt hơn và dự báo tốt hơn nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Đức Huy - Phó giám đốc Khối ngân hàng số Ngân hàng Quân đội (MBBank) nói: “Cạnh tranh là động lực để phát triển nhưng hợp tác sẽ mang lại lợi ích lớn hơn”.
Dù đã “đi trước một bước” so với các ngân hàng khác ở trong nước, nhưng hợp tác giữa ngân hàng và fintech vẫn khó “xuôi chèo mát mái” bởi Việt Nam vẫn thiếu một hành lang pháp lý cụ thể cho lĩnh vực kinh doanh mới này.
Phó giám đốc Khối ngân hàng số của MBBank nói những điều kiện Ngân hàng Nhà nước đang là “rào cản lớn”. Theo ông, việc kết hợp giữa ngân hàng và công ty fintech phải qua trung gian thanh toán và trước đó, trung gian thanh toán phải có giấy phép về việc kết hợp với ngân hàng.
Trong khi đó, ông Lê Văn Bé - Cố vấn HĐQT MBBank cho biết, hợp tác giữa ngân hàng với các công ty fintech đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, trong bối cảnh có tới 80% ngân hàng nói gặp khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu hệ sinh thái kỹ thuật số - nền tảng của hệ thống ngân hàng thông minh.
Fintech đang tạo ra những thay đổi chóng mặt trên thị trường tài chính toàn cầu. Với đòn bẩy fintech, khối lượng vay trực tuyến sẽ chạm mốc 120 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, trong khi năm 2015 con số này là 20 tỷ USD, theo Morgan Stanley.
Fintech cũng là nguyên nhân khiến 8 ngân hàng hàng đầu châu Âu sa thải khoảng 100.000 nhân viên vào đầu năm 2016. Các ngân hàng như Barclays Credit Suisse, Deutsche Bank và Standard Chartered đã mất khoảng 420 tỷ USD giá trị thị trường bởi sự lên ngôi của fintech, theo Bloomberg.
Một hệ sinh thái sẽ được tạo dựng
Hiện cả nước mới có 33 triệu người dân ở độ tuổi lao động có tài khoản tại ngân hàng và phần còn lại là rất lớn. Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tại Hội thảo "Ngân hàng và Fintech: Cơ hội và thách thức" ngày 10/11, đã kêu gọi các ngân hàng “thay đổi quan điểm”, không nên coi fintech là những đối thủ cạnh tranh, để hướng tới hợp tác cùng có lợi.
Vị phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận hành lang pháp lý cho hoạt động fintech là “chưa đầy đủ”, mới chủ yếu dành cho hoạt động dịch vụ thanh toán. Bởi thế, với những giải pháp nghiệp vụ mới của các công ty fintech mà pháp luật hiện hành chưa quy định, ông Kim Anh cho biết, Ngân hàng Nhà nước áp dụng quản lý theo khuôn khổ “pháp lý thử nghiệm”.
Ngân hàng Nhà nước đã xác định tập trung xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty fintech trong lĩnh vực ngân hàng, tới đây sẽ bổ sung, sửa đổi các quy định về hoạt động của ngành ngân hàng để tương thích và phù hợp hơn với bối cảnh số hóa và sự phát triển của fintech, theo ông Kim Anh.
Vẫn cần thời gian để kiểm chứng về độ vững mạnh của các fintech dù các công ty này có ưu thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, đột phá, mang đến những trải nghiệm cho người dùng. Một điều có thể thấy, các fintech đều thiếu kinh nghiệm trong hoạt động tài chính ngân hàng, cũng như hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ chưa đầy đủ.
Cũng bởi lý do này, Chính phủ Singapore cho phép fintech và ngân hàng được tự do thử nghiệm mô hình hợp tác nếu có kế hoạch rõ ràng, nhằm khuyến khích các loại hình kinh doanh mới phát triển. Khi sự hợp tác phát triển tốt hơn, Chính phủ quản lý và có hỗ trợ thích hợp để đảm bảo mô hình này tác động tích cực đến hoạt động tài chính.
Ông Marco Breu - Tổng giám đốc McKinsey & Company Việt Nam (thuộc Tập đoàn tư vấn quản trị và chiến lược toàn cầu McKinsey & Company) cho rằng, sáng tạo diễn ra ở fintech, ít diễn ra ở ngân hàng. Fintech sẽ có những tố chất mà các ngân hàng truyền thống không có.
“Đang có xu hướng mạnh mẽ, trên 50% những người ở thành thị ở Việt Nam sẵn sàng sử dụng các sản phẩm được chào ở dạng kỹ thuật số”, Tổng giám đốc McKinsey & Company Việt Nam cho biết.
Theo kinh nghiệm của ông Marco Breu, nếu làm ngân hàng mà chỉ dùng nghiệp vụ ngân hàng sẽ có rủi ro và không còn hợp thời nữa. Ngân hàng có thể tìm kiếm cơ chế kiểm tra phân tích dữ liệu lớn và kết hợp cùng các Fintech. Ông tin rằng, một hệ sinh thái sẽ được tạo dựng bằng quan hệ đối tác ngân hàng và fintech.