Hợp tác tài chính Việt Nam và CHLB Đức không ngừng phát triển
(Tài chính) Nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức, ngày 22/9/2014, tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính CHLB Đức Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ đã có buổi làm việc và trao đổi về hợp tác tài chính giữa hai nước. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính Đức và Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chào mừng Ngài Bộ trưởng Tài chính Đức đã tới thăm Việt Nam và làm việc với Bộ Tài chính và bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ châu Âu, nhưng năm 2013, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục tăng trưởng và đạt mức cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong các nước EU và toàn châu Âu, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Đức là nhóm người ngoại quốc gốc Á lớn nhất tại Đức. Bộ trưởng mong Chính phủ Đức quan tâm và tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng tại Đức hoạt động trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, có nhiều ưu đãi.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao vai trò của CHLB Đức trong các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Sự ổn định kinh tế - chính trị giúp CHLB Đức không những nằm ngoài vòng xoáy nợ công mà còn đủ tiềm lực kinh tế để dẫn dắt, đảm bảo tương lai của cộng đồng châu Âu. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ Đức trong việc giúp đỡ một số thành viên của Liên minh châu Âu cơ cấu lại các khoản nợ, hoạch định đường lối, chính sách và khung pháp lý về quản lý chi tiêu công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Nguồn: mof.gov.vn
Hiện nay Việt Nam và EU (trong đó có đối tác lớn là Đức) đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do nhằm mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư…giữa hai bên. Khi thực hiện, sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Đức, thúc đẩy đầu tư của Đức vào Việt Nam, góp phần tái cấu trúc và tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài chính Đức ủng hộ tích cực Việt Nam trong quá trình đàm phán FTA với EU để hiệp định sớm được ký kết.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ đã trao đổi về một số lĩnh vực quan trọng như: dự án, vay nợ, viện trợ; lĩnh vực Hải quan và lĩnh vực quản lý tài chính doanh nghiệp...
Trao đổi với Bộ trưởng Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ về vấn đề tái cơ cấu DNNN tại Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là vấn đề thời sự, là khâu đột phá trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hy vọng trong thời gian tới, các nhà đầu tư, các DN của Đức sẽ quan tâm hơn nữa và tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam và mong nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Đức, hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam trong việc thực hiện hiệu quả vấn đề tái cơ cấu DNNN.
Bộ trưởng Tài chính CHLB Đức Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ tại buổi làm việc. Nguồn: mof.gov.vn
Bộ trưởng Tài chính CHLB Đức Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã dành thời gian tiếp và làm việc với đoàn Bộ Tài chính CHLB Đức. Bộ trưởng Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ đánh giá cao những chia sẻ và gợi mở của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và cho rằng đó là những ý kiến rất cần thiết đối với sự hợp tác trong lĩnh vực tài chính giữa hai nước. Bộ trưởng Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ khẳng định Bộ Tài chính Đức sẵn sàng ủng hộ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài chính Đức và Bộ Tài chính Việt Nam.
Trong năm 2013, EU tiếp tục duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 24,33 tỷ USD, tăng 29,84%; giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 9,45 tỷ USD, tăng 7,52%. Trong đó, CHLB Đức luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại); và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Với sự phục hồi nhanh của nền kinh tế Đức, trao đổi thương mại song phương năm 2013 tiếp tục tăng bất chấp các tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ công châu Âu, đạt 7,7 tỷ USD (tăng khoảng 12% so với năm 2012); 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 3,6 tỷ USD.