Hốt bạc nhờ “đào” dữ liệu khách hàng
Miếng bánh bán lẻ ngày càng bị xâu xé nhiều, để cạnh tranh, một số doanh nghiệp (DN) đã tận dụng sự phát triển của kỹ thuật số để phân tích dữ liệu khách hàng, đưa ra chiến lược kinh doanh và “đánh trúng” nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Theo các chuyên gia, bán lẻ là ngành thu thập được dữ liệu khách hàng nhiều thứ hai, đứng sau viễn thông. Lợi thế này đang được các DN bán lẻ tận dụng để tăng doanh thu và giá trị DN trong thời đại kỹ thuật số.
Đánh trúng tâm lý khách hàng
Sau một tháng mua sữa cho con tại siêu thị Big C, chị Bùi Lan Anh (Hà Nội) liên tục nhận được quảng cáo mua sữa kèm theo chương trình khuyến mãi hấp dẫn khi mua với số lượng nhiều.
“Thời gian gần đây, tôi hay nhận được những tin nhắn khuyến mãi mua sữa cho bé 6 tháng tuổi đúng độ tuổi của bé nhà tôi và hãng sữa mà con tôi hay dùng, kèm theo một số quà khuyến mãi khi mua từ 3 hộp trở lên. Không hiểu sao hãng sữa này lại biết được số điện thoại và nhu cầu của con tôi để giới thiệu. Tuy nhiên, những thông tin này rất hữu ích và thiết thực đối với tôi”, chị Lan Anh cho hay.
Không có cảm giác phiền toái cũng là tâm trạng của chị Mai Thu dù liên tục nhận được tin khuyến mãi. “Thay vì mua bỉm cho con tại cửa hàng tạp hóa gần nhà như trước đây, tôi thường đến một đại lý gần cơ quan để mua. Tuy nhiên, gần đây, tôi thường nhận được quảng cáo mua sản phẩm cùng thương hiệu, cùng kích cỡ nhưng giá rẻ hơn, lại đúng vào thời điểm sắp phải mua. Cảm giác như đại lý hiểu rõ nhu cầu sử dụng của bé khiến tôi rất vui”.
Chị Bích Ngọc, nhân viên văn phòng, chia sẻ chỉ cần vào Google gõ cụm từ mặt nạ đắp mặt, ngay sau đó, hầu hết các trang cá nhân của chị như Zalo, Facebook, Viber… hiển thị hàng loạt sản phẩm mặt nạ đang được rao bán trên các website như Shoppe, Lazada… Nhờ đó mà việc tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm rất dễ dàng.
Theo các chuyên gia, hiện nay, ngành hàng bán lẻ đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Không chỉ sử dụng các hình thức khuyến mãi, giảm giá, một số DN bán lẻ offline lẫn online nội địa đang tìm cách “đào xới” kho dữ liệu khách hàng nhằm tiếp cận khách hàng đúng nhu cầu, tăng hiệu quả tiếp thị, đặc biệt trong cuộc đua giữ khách giữa_các hệ thống. Cách làm này đang giúp DN tăng doanh thu và đẩy thương hiệu phát triển một cách đáng kể.
Hiện nay, hầu hết các trang thương mại điện tử lớn như Adayroi, Tiki, Lazada, Shoppe… không tiếc tiền đầu tư vào công nghệ khai thác và ứng dụng dữ liệu. Không tiết lộ con số cụ thể, song bà Mai Thị Lan Vân, Giám đốc marketing Adayroi, cho biết đầu tư công nghệ để khai thác dữ liệu lớn (Big Data) là một tất yếu mà các DN bán lẻ phải làm.
“Adayroi rất chú trọng đến vấn đề này. Định hướng của chúng tôi là tiếp cận thông tin của khách hàng một cách chính xác và cung cấp những thông tin họ cần thông qua ứng dụng công nghệ để khách hàng được chăm sóc mà không cảm thấy bị phiền toái”, bà Vân nói.
Nắm được nhu cầu khách hàng sẽ thắng
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ, việc biết chính xác thông tin cá nhân, ngày sinh, nơi sống, nhu cầu, sở thích, thói quen của khách hàng đối với một công ty thương mại điện tử rất quan trọng. Nhờ đó, DN cung cấp cho khách hàng trúng những thông tin họ đang cần. Đây là mấu chốt quan trọng sẽ quyết định đến 80% thành công của DN.
Cũng tham gia vào đầu tư khai thác dữ liệu khách hàng, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập Tiki, chia sẻ: “Khi bạn vào website thì sẽ thấy các gợi ý mua hàng. Bạn qua New York Times đọc cũng sẽ thấy nó chạy theo. Quan điểm của chúng tôi là dữ liệu của bản thân không đủ, mà phải kết hợp với những công ty đối tác như Google hay Facebook để làm giàu dữ liệu hơn”.
“Chẳng hạn, một bà mẹ từng mua bỉm cho con trên hệ thống sẽ được công nghệ ghi nhớ và tự động chạy quảng cáo nhắc mua bỉm hàng tháng. Thậm chí, trí thông minh nhân tạo còn gợi ý thêm các sản phẩm khác, phù hợp tương ứng với quá trình bé lớn lên. Nói một cách nôm na, thứ công nghệ này khiến khách hàng cảm thấy được chăm sóc riêng và đúng nhu cầu”, bà Vân phân tích.
Theo các chuyên gia, việc khai thác dữ liệu khách hàng rất quan trọng đối với mỗi DN bán lẻ. Dù cách làm này nhằm mục đích triển khai các hoạt động quảng cáo đeo bám và cá nhân hóa, nhưng trên cơ sở định hướng của DN là sưu tập thông tin khách hàng và làm sao xác minh tính chính xác của nó để gợi ý đúng sản phẩm và nhu cầu khách hàng đang tìm kiếm, nên họ sẽ không có cảm giác bị làm phiền. Nhờ đó, DN sẽ giữ được chân khách hàng trung thành, lôi kéo được khách hàng mới mua hàng, sử dụng sản phẩm lâu dài.
Hiểu được tầm quan trọng của việc khai thác dữ liệu khách hàng mang lại, một số doanh nghiệp bán lẻ đã không đứng ngoài cuộc mà “bắt tay” với các đối tác để làm giàu dữ liệu hơn.
Sau cái “bắt tay” với công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen vào cuối năm ngoái đã giúp doanh số của Saigon Coop tăng lên đáng kể, đại diện của DN này cho hay: “Chiến lược kinh doanh của Saigon Coop đều dựa trên sự phân tích về số liệu và minh bạch hơn. Việc thêm hay cắt mặt hàng nào đó đều dựa trên diễn biến thực tế toàn thị trường”.