Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam:

Vướng mắc trong chuyển nhượng cổ phần kèm theo nợ phải thu

PV.

Cùng với việc tham gia xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) còn đẩy mạnh thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần kèm theo nợ phải thu. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực thực hiện, DATC đã gặp phải không ít khó khăn trong hoạt động này...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tích cực tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ...

Tính từ năm 2004 đến cuối năm 2017, DATC đã thực hiện tiếp nhận bàn giao nợ và tài sản của 2.628 DNNN, gồm 1.022 doanh nghiệp của trung ương và 1.606 doanh nghiệp địa phương. Tổng giá trị các khoản nợ và tài sản tính theo sổ sách kế toán đã tiếp nhận là 4.425,9 tỷ đồng góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả cao và đúng tiến độ đề ra.

Thông qua công tác xử lý của DATC, các khoản nợ và tài sản loại trừ này được tối đa hóa giá trị. Lũy kế, DATC đã xử lý và thu hồi về cho nhà nước khoản thu 673,4 tỷ đồng từ những khoản nợ và tài sản tưởng như không còn giá trị được loại ra khi sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Thông qua DATC đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Sau khi Chính phủ thành lập và giao cho DATC tiếp nhận xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu thì tình hình tài chính của các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu trở. Theo đó, không phải mất thời gian xử lý nên tiến độ cổ phần hóa cũng được đẩy nhanh lên rất nhiều.

Mặt khác, với cách thức làm việc chuyên nghiệp hơn DATC xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng bị loại trừ khi cổ phần hóa đạt kết quả tốt hơn so với việc giao cho các doanh nghiệp cổ phần hóa, đa dạng hóa xử lý thể hiện qua số tiền đã thu hồi và nộp về NSNN trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu cũng được DATC tích cực tham gia. Lũy kế từ năm 2004 đến nay, DATC đã thực hiện tái cơ cấu cho trên 170 doanh nghiệp. Trong đó, DATC đã kết hợp gắn tái cơ cấu tài chính với quản trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu cho trên 70 doanh nghiệp; trên 100 doanh nghiệp được tái cơ cấu tài chính.

Vướng mắc khi chuyển nhượng cổ phần kèm theo nợ phải thu

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua DTAC đã mua nợ và tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trước khi được DTAC tái cơ cấu đều rất yếu kém, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hóa. Để tái cơ cấu, DATC chuyển một phần nợ phải thu thành vốn góp để tham gia quản trị doanh nghiệp, số nợ còn lại sẽ thu dần sau tái cơ cấu. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp này, Công ty thường có cổ phần và cả nợ phải thu.

 Xuất phát từ đặc thù hoạt động của DATC nêu trên, tại  Điều 10 Thông tư số 134/2016/TT-BTC đã quy định tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký dao dịch trên sàn UPCOM, DATC được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các Công ty chứng khoán, Công ty bán đấu giá) để bán đấu giá hoặc tự tổ chức bán đấu giá hoặc bán đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức giá khởi điểm khi thực hiện đấu giá công khai gần nhất. DATC được phép thoái vốn dưới hình thức bán cả lô cổ phần, bán cả lô cổ phần kèm nợ phải thu theo phương án được Hội đồng thành viên phê duyệt.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 4 Quyết định 41/2015/QĐ-TTg thì đối với trường hợp thoái vốn có giá trị trên 10 tỷ đồng và thoái vốn theo lô phải đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, phải bán đấu giá công khai (không theo lô), trường hợp đấu giá công khai không thành công mới được bán cổ phần theo lô.

Việc phải bán cả lô cổ phần kèm nợ phải thu là nhu cầu cấp thiết và phù hợp với đặc thù hoạt động của DATC: Hoạt động thoái vốn cả lô cổ phần kèm nợ phải thu là hoạt động có tính đặc thù của DATC.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn việc bán đấu giá lô tài sản (bao gồm cổ phần và nợ phải thu). Theo đó, việc đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán không thực hiện được, ảnh hưởng đến hiệu quả thoái vốn của DATC.

Thực tế các doanh nghiệp tái cơ cấu thường yếu kém về tài chính, nếu bán lẻ thì có thể chỉ bán được cổ phần hoặc chỉ bán được nợ. Trường hợp chỉ bán được cổ phần, còn nợ phải thu không bán được sẽ khó khăn cho việc thu nợ của Công ty tại doanh nghiệp này do không còn người đại diện vốn của DATC để có thể chi phối việc trả nợ.

Trường hợp chỉ bán được nợ phải thu, sau khi mua nợ, nhà đầu tư yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ mà không tiếp tục đầu tư, tái cơ cấu dẫn đến doanh nghiệp có thể bị phá sản, từ đó ảnh hưởng đến giá trị cổ phần của DATC chưa bán được.

Mặt khác, nếu bán cả lô cổ phần kèm nợ phải thu sẽ đạt hiệu quả cao hơn do nhà đầu tư muốn nắm quyền chi phối để tham gia quản trị, điều hành doanh nghiệp.