HSBC: Việt Nam cần nỗ lực cải cách để thoát lệ thuộc Trung Quốc

Theo vnexpress.net

(Tài chính) HSBC cho rằng căng thẳng với Trung Quốc có thể khiến giao thương và thu hút khách du lịch của Việt Nam bị ảnh hưởng.

HSBC: Việt Nam cần nỗ lực cải cách để thoát lệ thuộc Trung Quốc
Căng thẳng với Trung Quốc sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế trong nước nếu Việt Nam tự tái cơ cấu thành công. Nguồn: internet

Trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng do giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, đã có nhiều ý kiến lo ngại sẽ có một cú sốc tác động lên tăng trưởng kinh tế trong nước. Thậm chí, báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) còn đánh tụt dự báo tăng trưởng năm 2014 xuống dưới 5% do nhân tố trên và nhấn mạnh dư địa khủng hoảng còn tiếp tục lan sang năm sau.

Trước tình hình này, HSBC đã tiến hành nghiên cứu kỹ hơn ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam và ý kiến chung là tình hình không quá bi quan trong ngắn và trung hạn.

Liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số ý kiến băn khoăn liệu nguồn vốn mới có tiếp tục đổ vào Việt Nam hay không khi môi trường vĩ mô đang có sự xáo trộn. Tuy nhiên, theo đánh giá của HSBC, dù rất quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững gần đây (vốn FDI chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư), song đầu tư trong nước vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 30%), chứng minh rằng ngay cả khi đầu tư công và tư nhân giảm thì nguồn lực này vẫn góp vai trò lớn trong tăng trưởng kinh tế.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh chỉ một số ít quốc gia có thể phát triển kinh tế nếu hoàn toàn dựa vào đầu tư nước ngoài, thậm chí quốc gia chủ nhà có thể không tạo được cú hích dài hạn nếu chỉ tìm cách thu hút FDI mà bỏ qua cân nhắc lợi ích với nền kinh tế địa phương. Do đó, bên cạnh thu hút vốn FDI chọn lọc hơn, tổ chức này khuyến nghị Việt Nam cần tăng hiệu quả hơn với đầu tư trong nước để giảm lệ thuộc vào FDI.

Hiện có một vài dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang quan tâm hơn tới việc tăng hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước, chẳng hạn như hạn chế cho vay hoặc cắt giảm đầu tư công trong các lĩnh vực không hiệu quả. Trong tương lai, mục tiêu được Việt Nam hướng đến là sẽ tập trung các khoản vốn Nhà nước vào các khu vực kinh tế năng động, hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm.

Còn nếu xét riêng FDI từ Trung Quốc, số liệu cho thấy quốc gia này chỉ chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy, HSBC nhận định yếu tố gây ảnh hưởng trong dài hạn chính là quan hệ thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, phần lớn hàng hóa nhập từ nước này là nguyên liệu cho sản xuất dệt may như vải sợi, bông và máy móc..., trong khi hàng xuất khẩu sang Trung Quốc lại chủ yếu là nguyên vật liệu thô như cao su, dầu thô, than đá và trái cây... Hệ quả của quá trình này là nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng trong những năm qua và chạm mức kỷ lục 23,7 tỷ USD trong năm 2013.

Mối quan hệ thương mại bị lệch hẳn về phía gây bất lợi cho Việt Nam, HSBC nhận định. Do vậy, giải pháp trước mắt là Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình cải cách chính sách để gia tăng nội lực, thoát lệ thuộc vào Trung Quốc và tham gia liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục đàn phán hoặc tham gia các hiệp ước như Giao thương tự do (FTA) Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam-Châu Âu và Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược châu Á - Thái Bình Dương (TPP)

Cụ thể, ngành dệt may và may mặc mới đây đặt chỉ tiêu nội địa hóa 60% vào năm 2015. Dù chưa thể nói liệu mục tiêu này sẽ đạt được hay không, song HSBC cho hay những nỗ lực này là cần thiết cho Việt Nam trong việc giảm sự phụ thuộc vào việc nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Ngoài ra, ngành dịch vụ du lịch có thể chịu ảnh hưởng tạm thời. Thống kê của HSBC cho thấy tính từ đầu năm đến nay, tổng số khách Trung Quốc du lịch đến Việt Nam tăng 26,1%, song con số này sẽ giảm trong tháng 6 trước khi quay trở lại bình thường trong tháng 7.

"Rõ ràng trái banh đang nằm trên sân của Chính phủ", HSBC ví von và cũng nhằm làm nổi bật vấn đề Việt Nam cần tự tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao tăng tính cạnh tranh trong tương lai, thoát phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.