"Hùm Xám" Đường 9- Nam Lào
Ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người có biệt danh “hùm xám" Đường 9-Nam Lào đã tham gia 500 trận đánh tại đây làm quân thù khiếp sợ.

“Hùm Xám”- Nỗi khiếp sợ của quân giặc
Người “anh hùng” ấy đã từng trải qua hơn 500 trận đánh oanh liệt và 9 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Đường 9 Quảng Trị nhắc đến như một huyền thoại. Từng địa danh như: Đầu Mầu, cao điểm 241, Cùa, cầu Chui, Làng Vây, Tà Cơn… trên con đường ấy được ghi dấu với vô vàn chiến công của các anh hùng, nhân dân trong cuộc trường kỳ kháng chiến của đất nước. Trong vô vàn chiến công đó, có tên của “hùm xám” Đường 9- Nam Lào.
Tôi quyết tìm gặp cho được người được mệnh danh “Hùm Xám" tại nhà riêng ở phường 5, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị với bao tưởng tượng về sự oai hùng và dáng vẻ của ông. Đúng như nhiều người kể, ông bây giờ vẫn thường mặc áo bộ đội, đội mũ cối, uống nước lá vối (loại cây mọc ở nhiều con suối trong rừng) đựng trong bi đông, hay đi đâu xa ông vẫn mang theo chiếc ba lô sờn bạc. Những kỷ vật ấy được ông mang về từ chiến trường và mấy mươi năm qua ông cất giữ như báu vật.
“Với tôi, Đường 9 như một phần xương máu! Những đêm thức trắng cùng đồng đội vượt rừng, băng suối phục kích tiêu diệt bọn ác ôn, quân giặc là những ký ức không bao giờ quên”. Đó là tâm sự của ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người có biệt danh “Hùm Xám" của Đường 9- Nam Lào lẫy lừng thuở nào.
"Hùm Xám" tại di tích Đường 9- Nam Lào
Kỷ niệm về đồng đội, về chiến trường và những chiến công của ông luôn cất giữ trong lòng. Hễ có ai nhắc đến là nó cứ ùa về không thể nào ngăn lại được. Trong vô vàn ký ức ấy, có ký ước buồn, có ký ức vui. Rồi có những chuyện đã làm được, chuyện chưa làm được của mấy mươi năm qua. Tất cả nỗi niềm đó được ông nhắc đến bằng chất giọng trầm và đầy trăn trở như vị mặn của muối biển.
Theo ông Kỳ, từ năm 1964 cho đến ngày đất nước giành được độc lập, ông đã tham gia chỉ đạo và trực tiếp cầm quân chiến đầu hơn 500 trận đánh ngang dọc Đường 9- Nam Lào. Và có một điều kỳ diệu là trải qua vô vàn cam go của từng trận đánh, ông chưa một lần bị thương, mà ngược lại ông đã tiêu diệt hàng chục tên lính Mỹ , hơn 100 tên ác ôn và lính ngụy.
Lần theo lời kể, chúng tôi về Cam Lộ, nơi khởi đầu của những trận đánh của “Hùm Xám” và được nghe người dân ở đây truyền nhau câu chuyện: Trước giải phóng, địch thường nhắc tới “Hùm Xám Đường 9” với nỗi kinh hoàng. Ông “Hùm Xám Đường 9” chuyên diệt trừ ác ôn. Và “món” “Hùm Xám” ưa thích nhất là lính thủy quân lục chiến của địch.

Đầu “Hùm Xám” = 600 lượng vàng!
Giặc tung ra rất nhiều thủ đoạn để mua chuộc, dụ dân cũng như bọn binh lính của chúng là: “Ai tiêu diệt được “Hùm Xám” sẽ được thưởng 600 lượng vàng. Vậy mà chưa có một ai làm được điều đó.
Ông Kỳ kể: “Chúng ra sức giăng lưới để bắt tôi thì chúng càng thất vọng và càng sợ hãi. Vì lúc đó tôi là người địa phương, thông thạo các ngõ ngách của núi rừng, nên tôi lúc ẩn lúc hiện. Câu chuyện của bọn Mỹ- ngụy đã đưa một đội quân có tên là Xì Chuồn gồm 16 tên chủ yếu là người dân tộc thiểu số được huấn luyện nghiệp vụ bài bản và giết người không run tay, lùng xục để giết tôi nhưng bọn chúng không thể làm được”.
Đội quân Xì Chuồn được đồn đại là những người súng đạn không thể bắn xuyên thủng người. Ai bắn bọn chúng thì chúng dùng miệng ăn luôn viên đạn ấy. Sự thêu dệt ấy đã không ít lần khiến dân ta nao núng sợ hãi. Chúng đi đến đâu là hãm hiếp dân lành, bắn giết người vô tội đến đó. Chúng ra lệnh cho nhân dân, thấy “Hùm Xám” ở đâu là phải báo ngay nếu không chúng sẽ giết.
Trước thông tin đó, “Hùm Xám” và 11 đồng đội khác đã tiến hành bố trí phục kích để tiêu diệt đội quân Xì Chuồn.
Chiều cuối năm 1965, đội quân Xì Chuồn đi lùng sục bắt “Hùm Xám” bên bờ sông Hiếu, đoạn chạy qua địa phận xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Ông Kỳ đã bố trí 3 mũi phục kính gồm: mũi đón đầu, mũi thọc sườn và mũi đánh úp với 12 người nằm phục sát bờ sông.
Ông Kỳ thuật lại: Khi phát hiện đội quân Xì Chuồn đang lăm lăm súng, lựu đạn quấn quanh người tiến về phía bờ sông Hiếu, tôi ra lệnh cho 11 anh em phải chờ bọn chúng tới sát và phải lọt hẳn vào giữa trận địa mai phục của ta mới được nổ súng. Khi nổ súng phải tiến lên phía trước chứ không được rút lui.
Chính tôi là người đã nổ phát súng đầu tiên, tiếp đó 3 anh em ở tổ mai phục đón đầu hạ gục tại chỗ 4 tên đi đầu. Bọn chúng hoang mang quay đầu chạy lui thì liền lúc đó, mũi thọc sườn nhả luôn một loạt đạn hạ gục 6 tên nữa. 4 tên còn lại cắm đầu chạy ngược lại bị mũi đánh úp nổ súng liên hoàn tiêu diệt hoàn toàn. Trận đánh tiêu diệt bọn Xì Chuồn chỉ diễn ra ở bán kính chưa đầy 500m2 và trong khoảng vài phút.
Được biết, trong hàng trăm trận chiến ấy “Hùm Xám” không những dũng mãnh trong từng thế đánh mà là người có mưu trí, đặc biệt trong việc chỉ đạo hai nữ dân quân dụ dỗ lính Mỹ ra phía bìa rừng thuộc địa bàn huyện Cam Lộ bấy giờ để ông bắt sống.
Tâm "Hùm Xám": Sống chí nghĩa chí tình với đồng đội
Không giống với những đồng đội khác, để trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, năm vừa tròn 18 tuổi, ông Kỳ đã trốn ra vùng giải phóng để được đi đánh giặc... Ông Kỳ nhớ lại, lúc ấy tôi chỉ khoảng 50kg, người gầy và đen sạm, mấy tên lính Mỹ bắt được túm cổ lôi đi thì coi như voi kéo rơm. Tôi lập được những chiến công ấy phần lớn nhờ vào đồng đội đã anh dũng hy sinh để cho tôi có ngày hôm nay. Công ơn đó suốt đời tôi khắc tâm ghi cốt. Cứ nhắc đến hai tiếng đồng đội, chúng tôi lại thấy mắt ông ướt nhòe và bâng khuâng nhìn về xa xăm núi rừng.
Trong vô vàn ký ức, trận chiến đấu phối hợp của Đại đội 1 và Đại đội 2 của Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 27 với lực lượng địa phương Cam Lộ do ông chỉ huy tại Hồ Khê- Đá Bạc thuộc vùng rừng núi xã Cam Tuyền, ngày 28/2/1969 là một ký ức khiến ông không bao giờ quên.
Hôm ấy, Mỹ tập trung không quân, pháo binh, bộ binh, xe tăng đánh ra vùng này (lực lượng địa phương Cam Lộ chốt giữ núi Đá Bạc, đơn vị của Trung đoàn 27 chốt núi Hồ Khê). 8 giờ sáng, các chiến sỹ bộ đội chủ lực chiến đấu với một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ tới 16 giờ cùng ngày, một cuộc chiến không cân sức. Địch đã dùng hỏa lực cả không quân, pháo binh và bộ binh bắn vào phía đơn vị của E27. 13 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Địch bỏ xác các đồng đội vào hố pháo rồi dùng bộc phá đánh nổ tung. Sáng hôm sau, ông Kỳ cùng du kích địa phương đi tìm xác anh em, nhặt từng mẩu thịt đưa về mai táng thành một ngôi mộ tập thể. Rồi năm tháng qua, bom đạn cày đi xới lại nhiều lần, dấu vết của ngôi mộ chung này biến dạng nên mới đây, ông cùng đồng đội mới tìm được ngôi mộ tập thể ấy và lập bia tưởng niệm.
Ông Kỳ trăn trở, những ký ước về đồng đội ở núi rừng Cam Lộ, luôn nhắc nhở ông phải sống sao cho xứng đáng với những hi sinh mà đồng đội ông đã ngã xuống. Để minh chứng cho điều đó, nhiều năm qua, ông đã trở lại với rừng núi Cam Lộ cày xới, lật từng thửa đất lập trang trại trồng hàng trăm hecta rừng, phủ lên những đồi trọc bị nhiễm chất độc một màu xanh bạt ngàn của sự no ấm. Ông Kỳ cho biết: việc trồng rừng ngoài mục đích làm kinh tế còn có một nguyên nhân sâu xa hơn là để được đi lại để thường xuyên được hương khói, được gần hơn với đồng đội đang còn nằm lại ở chốn rừng thiêng này.
Luôn nghĩ về đồng đội hôm qua và hôm nay
Ngoài việc thường xuyên về với đồng đội, trong nhiều năm qua ông Kỳ đã góp tiền bạc xây cầu đi lại, giúp bà con mua cây giống phát triển kinh tế ở Vùng Cam Lộ. Và mới đây, ông Kỳ và nhiều đồng đội đã xây khu “nghĩa trang” tập thể cho đồng đội ngã xuống trong trận chiến năm 1969. Đến dịp 30- 4 hàng năm, ông Kỳ cùng hàng nghìn đồng đội lại hành quân về với rừng núi Cam Lộ tổ chức các chương trình “Ấm rừng đồng đội; Bộ đội về làng, thả hoa, dâng hương trên các dòng sông… để ôn lại kỷ niệm thời chiến, đặc biệt làm ấm lòng tình đồng chí, đồng đội. Đồng thời dạy cho con cháu biết trân trọng cái đẹp của cuộc sống vô cùng quý giá như thế nào.
Có một thực tế mà không thể nói khác được, người dân Quảng Trị bây giờ ai cũng công nhận: "Nhiều năm qua, dù trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo của tỉnh, song bản chất người lính trong ông Kỳ vẫn vẹn nguyên và dường như càng ngày càng sâu đậm hơn. Đó là một tình cảm chân thành, nghĩa tình sau trước của ông với các đồng đội, với thân nhân liệt sỹ…".