Hướng dẫn mới về phí, lệ phí
Luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, đồng thời bãi bỏ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2011/PL-UBTVQH10. Để Luật Phí và lệ phí đi vào cuộc sống, ngày 23/8/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Bài viết phân tích những điểm lưu ý của Luật Phí và lệ phí và Nghị định hướng dẫn Luật.
Một số nội dung điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí
Việc ban hành Luật Phí và lệ phí là bước ngoặt mới trong quản lý phí, lệ phí, tạo hành lang pháp lý mới đầy đủ và đồng bộ hơn. Luật được ban hành góp phần hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí, đảm bảo thống nhất, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan. Các nội dung quan trọng của Luật Phí và lệ phí gồm:
Thứ nhất, Luật quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.
Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về danh mục phí, lệ phí; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu; miễn, giảm, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí. Về đối tượng, Luật này áp dụng với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí. Như vậy, so với pháp lệnh hiện hành thì Luật không điều chỉnh đến các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp.
Thứ hai, để khuyến khích xã hội hóa, một số khoản phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí được chuyển sang cơ chế giá. Trong đó, một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng Nhà nước vẫn cần quản lý giá. Như vậy, theo quy định tại danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo luật này sẽ bao gồm 213 khoản phí, 103 khoản lệ phí và 17 dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá.
Thứ ba, quy định về miễn, giảm phí, lệ phí. Các trường hợp thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí gồm: trẻ em; hộ nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật và một số trường hợp đặc biệt khác...
Đồng thời, để tăng cường phân cấp quản lý phí, lệ phí, Luật Phí và lệ phí đã bổ sung thêm về thẩm quyền miễn, giảm phí, lệ phí như sau: Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí được phân cấp trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật này.
Thứ tư, nội dung quản lý, sử dụng phí, lệ phí đã được cụ thể hóa trong luật và đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Cụ thể, Luật quy định rõ: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện, được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước theo quy định sau: Số tiền phí được để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.
Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí cơ quan có thẩm quyền quyết định mức để lại cho tổ chức thu phí. Số tiền phí để lại được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; hằng năm phải quyết toán thu, chi. Số tiền phí chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước; việc quản lý và sử dụng phí thu theo quy định của pháp luật.
Ngoài những nội dung nêu trên, Luật còn quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí, người nộp phí, lệ phí và của các cơ quan nhà nước về quản lý phí, lệ phí.
Để sớm đưa Luật vào cuộc sống
Trong quá trình chờ Luật có hiệu lực thi hành, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật Phí và lệ phí; trong đó, nhận định Luật Phí và lệ phí có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, lĩnh vực. Do đó, công tác tổ chức triển khai, thực hiện cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể quần chúng và nhân dân…
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc rà soát các khoản phí và lệ phí theo quy định hiện hành để phân loại xử lý, làm cơ sở đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn hành văn bản quy phạm pháp luật mới về phí, lệ phí có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Một là, các khoản phí, lệ phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí, nay không có tên trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí và luật chuyên ngành thì không được phép thu;
Hai là, các khoản phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí, nay thuộc Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về giá;
Ba là, các khoản phí, lệ phí dừng thu phải thực hiện kê khai quyết toán số tiền phí, lệ phí đã thu, đã sử dụng theo quy định hiện hành…
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng quán triệt, cần nghiên cứu kỹ thực tế để ban hành văn bản thu phí, lệ phí cho phù hợp; không ban hành văn bản đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong Danh mục phí và lệ phí nhưng chưa thấy cần thiết và chưa đủ điều kiện thu. Chưa thu loại phí, lệ phí có tên trong Danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…
Mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Theo đó, Nghị định này quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; quản lý, sử dụng phí; quyết toán phí, lệ phí; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.
Về việc kê khai, thu, nộp phí, lệ phí, Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.
Tổ chức thu lệ phí thực hiện nộp toàn bộ tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai, nộp lệ phí theo tháng, quyết toán lệ phí năm theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
Định kỳ hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí thu được vào Tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Căn cứ số tiền phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định định kỳ ngày; tuần hoặc tháng tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào Tài khoản phí chờ nộp ngân sách.
Tổ chức thu phí thực hiện kê khai tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và nộp tiền phí phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau khi trừ số tiền phí được để lại. Tổ chức thu phí sử dụng đường bộ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Nghị định quy định rõ phí, lệ phí thu tại Việt Nam bằng VND, trừ trường hợp pháp luật quy định được thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Trường hợp quy định thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thì được thu bằng ngoại tệ hoặc thu bằng VND trên cơ sở quy đổi từ ngoại tệ ra VND theo tỷ giá.
Tài liệu tham khảo:
1. Pháp lệnh Phí và lệ phí;
2. Quốc hội, Luật Phí và lệ phí;
3. Chính phủ, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.