Hướng dẫn thực hiện ưu đãi cho người học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
(Tài chính) Ngày 26/12/2014, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 208/2014/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 124/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Theo đó, Thông tư áp dụng đối với đối tượng là người học các ngành/chuyên ngành (chuyên ngành) trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có cam kết chịu sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan; các cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (cơ sở đào tạo); các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện chính sách đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Đối với đối tượng học trong nước
Thông tư quy định, người học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hệ chính quy trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ và tiến sỹ tại các cơ sở đào tạo trong nước sẽ được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí.
Bên cạnh đó, đối với người học ở trình độ cao đẳng, sẽ được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là mức lương cơ sở) nếu xếp loại học lực giỏi trở lên; bằng 1,0 lần mức lương cơ sở nếu xếp loại học lực khá. Sinh viên trình độ đại học được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 2,5 lần mức lương cơ sở nếu xếp loại học lực giỏi trở lên; bằng 1,5 lần mức lương cơ sở nếu xếp loại học lực khá. Học viên cao học, nghiên cứu sinh được giữ nguyên lương trong thời gian đào tạo và được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 3,5 lần mức lương cơ sở. Thời gian cấp sinh hoạt phí đối với sinh viên đại học, cao đẳng là cấp đủ trong 10 tháng/năm học và chi trả 2 lần trong năm (lần 1 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11, lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4). Đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh hoạt phí được cấp hàng tháng theo số tháng học thực tế của người học.
Tuy nhiên, trong trường hợp sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nghỉ học dài hạn, bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học thì cơ sở đào tạo nơi sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang học dừng thực hiện cấp sinh hoạt phí. Khi sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được nhập học lại sau khi hết thời hạn nghỉ học hoặc kỷ luật thì tiếp tục được cấp sinh hoạt phí theo quy định. Thời gian học lưu ban, học lại, ngừng học, học bổ sung sẽ không được tính để được cấp sinh hoạt phí.
Ngoài ra, người học về ngành năng lượng nguyên tử trong nước còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác như: Sinh viên đại học nếu năm cuối đạt học lực khá trở lên; học viên cao học, nghiên cứu sinh được xem xét tuyển chọn đi thực tập 6 tháng ở nước ngoài trong năm cuối của chương trình đào tạo. Sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh được cử đi thực tập ở nước ngoài được đảm bảo kinh phí mua vé máy bay, lệ phí làm hộ chiếu, visa, lệ phí sân bay, tiền tàu xe từ sân bay đến nơi đào tạo và ngược lại, bảo hiểm y tế và sinh hoạt phí theo chế độ. Đối với những học viên cao học, nghiên cứu sinh có kết quả học tập đáp ứng các điều kiện về kết quả học tập, nghiên cứu theo quy định của cơ sở đào tạo sẽ được lãnh đạo nhà trường xem xét, cử đi tham dự hội nghị, hội thảo khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở nước ngoài. Học viên cao học, nghiên cứu sinh sẽ được hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương cơ sở trên 1 công trình khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI.
Đối với đối tượng học ở ngoài nước
Theo hướng dẫn của Thông tư, sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở ngoài nước bằng nguồn ngân sách nhà nước sẽ được cấp vé máy bay vé khứ hồi (hạng phổ thông) trong thời gian học tập để đi và về Việt Nam; được cấp lệ phí làm hộ chiếu, visa; cấp sinh hoạt phí theo mức bằng 1,2 lần mức sinh hoạt phí toàn phần cao nhất (theo khu vực) hiện đang được Chính phủ chi trả cho lưu học sinh được cử đi đào tạo ở nước ngoài (không học ngành năng lượng nguyên tử) bằng Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, sinh viên học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở ngoài nước còn được mua bảo hiểm y tế tối thiểu do nước sở tại quy định áp dụng chung cho công dân nước ngoài đến học tập; cấp lệ phí sân bay, tiền tàu, xe từ sân bay đến trường và ngược lại; giữ nguyên lương đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh trong thời gian học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
Theo đó, người học phải có trách nhiệm hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định; chấp hành đủ thời gian làm việc theo sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp không chấp hành hoặc chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định hiện hành của Nhà nước về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
Thông tư cũng nêu rõ, kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với người học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.