Hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp


Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012. Để việc thực thi luật đạt kết quả cao, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật này.

Bộ Tài chính - Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, thuận tiện trong quá trình thực hiện, trên cơ sở quy định của Luật đất đai 2003 về các loại đất, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Những đối tượng chịu thuế

Cụ thể, đất ở tại nông thôn bao gồm đất để xây dựng nhà ở, đất làm công trình phụ, đất làm đường đi, làm sân, đất làm chuồng trại chăn nuôi, đất bỏ trống quanh nhà, đất vườn, ao được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là đất ở trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn.

Còn đất ở tại đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, đất làm công trình phụ, đất làm đường đi, làm sân, đất bỏ trống quanh nhà trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị.

Đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, dự thảo quy định rõ 4 loại: Thứ nhất, đất xây dựng khu công nghiệp bao gồm đất để xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu sản xuất, kinh doanh tập trung khác có cùng chế độ sử dụng đất. Thứ hai, đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, đất khai thác, chế biến khoáng sản. Thứ tư, đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm bao gồm đất để khai thác nguyên liệu và đất để làm mặt bằng để chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

Dự thảo cũng quy định cụ thể, chi tiết một số loại đất không thuộc đối tượng chịu thuế như: Đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng; đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và các loại đất phi nông nghiệp khác,...

Các trường hợp miễn, giảm thuế

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã quy định 9 trường hợp được miễn thuế, 4 trường hợp được giảm 50% số thuế phải nộp. Tuy nhiên, để đảm bảo rõ ràng và thuận tiện trong quá trình thực hiện, dự thảo Nghị định quy định cụ thể hơn đối với một số trường hợp.

Cụ thể, đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường gồm: 1- Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực xã hội hóa; 2- Các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết hoặc thành lập các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 3- Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 4- Đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xã hội hóa, do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ quản lý chuyên ngành có liên quan.

Hay như đối với trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng, dự thảo quy định việc miễn, giảm thuế đất sẽ do UBND huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục thuế.

Ngoài các nội dung trên, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể, chi tiết hơn về giá tính thuế, hạn mức đất ở tính thuế và việc đăng ký, khai, tính, nộp thuế đối với trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.