Hướng đến xây dựng hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số và là xu thế tất yếu trong tương lai.
Tại Việt Nam, Bộ Tài chính là một trong những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, triển khai thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Những kết quả đạt được trong chuyển đổi số thời gian qua sẽ là nền tảng để Bộ Tài chính sớm đạt mục tiêu hình thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện, đầy đủ, phong phú và hiện đại trên mọi lĩnh vực.
Khái quát về chuyển đổi số và chuyển đổi số ngành Tài chính
Nếu “Tin học hóa” trong cơ quan nhà nước là việc xây dựng các chương trình, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ (lấy nghiệp vụ làm trung tâm) thì “Chuyển đổi số” trong cơ quan Nhà nước chính là việc điều hành dựa trên dữ liệu (lấy dữ liệu làm trung tâm) để phục vụ cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, cũng như phục vụ hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số là một trong các nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và được đưa vào các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nghị quyết, chỉ thị và quyết định của Chính phủ. Có thể kể đến Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/ TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/ TW; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 411/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Từ các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ, có thể thấy Bộ Chính trị và Chính phủ rất quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực nhằm mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp cũng như thúc đẩy cải cách hành chính trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước, đặc biệt ưu tiên phát triển trên 03 mặt lớn của đất nước gồm: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.
Nhận thức được tầm quan trọng của các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Chính phủ giao cũng như tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, là một trong các đơn vị đứng đầu về các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin cũng như hoạt động chuyển đổi số, Bộ Tài chính luôn chủ động trong công tác nghiên cứu các công nghệ mới, áp dụng tốt các thành quả của CMCN 4.0 cũng như cập nhật các văn bản, cơ chế chính sách hướng dẫn về chuyển đổi số, đồng thời ban hành các chương trình hành động về chuyển đổi số để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ Bộ Chính trị, Chính phủ giao.
Bộ Tài chính đã ban hành các Chương trình, kế hoạch hành động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, CMCN 4.0 và chuyển đổi số như: Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính; Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2019 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025; Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/ QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030; Quyết định số 2366/QĐ-BTC ngày 31/12/2020 ban hành kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số… Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Tài chính đã được triển khai từ rất sớm, ngay trước khi các văn kiện, nghị quyết của Đảng của Chính phủ ban hành đến nay đã đạt những kết quả nhất định:
- Về việc hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kể từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính đã hình thành 08/11 kho cơ sở dữ liệu quan trọng của ngành tài chính liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu gồm: Ngân sách nhà nước, Thuế, Kho bạc, Hải quan, Chứng khoán, Dự trữ, Quản lý giá, Tài sản công và được cung cấp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Với lượng lớn dữ liệu, đã chia sẻ lên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính đã được lãnh đạo Chính phủ khen ngợi, đánh giá cao khi các dữ liệu của Bộ Tài chính cung cấp có tính cập nhật, liên tục theo thời gian thực phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ, giúp lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra các quyết sách kịp thời để điều chỉnh khi có các yếu tố biến động về kinh tế, xã hội.
- Bên cạnh việc hình thành các kho Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai các hoạt động phục vụ người dân doanh nghiệp. Nổi bật trong năm 2022 là việc đẩy mạnh ứng dụng nền tảng hóa đơn điện tử (đã được triển khai trên toàn quốc từ ngày 21/4/2022). Nền tảng hóa đơn điện tử đã góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Triển khai hoá đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác; Mang nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.
Đối với tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ, nền tảng hóa đơn điện tử giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp; sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn…). Hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy...
Đối với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi.
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế; góp phần thay đổi phương thức quản lý trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến các quy trình nghiệp vụ theo hướng xử lý, kiểm soát dữ liệu tự động giúp cơ quan thuế sử dụng hiệu quả nguồn lực, chi phí…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng triển khai các Chương trình ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ tài chính trên môi trường số, đặc biệt chính là chương trình quản lý văn bản điều hành mới (eDocTC). Với mục tiêu quản lý, điều hành và xử lý văn bản hoàn toàn trên môi trường số, thực hiện theo chỉ đạo và định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, năm 2022 Bộ Tài chính đã nâng cấp chương trình eDocTC để đáp ứng theo định hướng và yêu cầu của Chính phủ. Việc luân chuyển văn bản giữa các đơn vị, giữa các cá nhân thực hiện hoàn toàn bằng điện tử, văn bản được ký số tại tất cả các vai trò gồm: Văn thư, Chuyên viên, Lãnh đạo phòng, Lãnh đạo đơn vị, Thư ký tổng hợp, Thư ký Bộ, Lãnh đạo Văn phòng Bộ và Lãnh đạo Bộ. Trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 bùng phát, phần lớn cán bộ Bộ Tài chính phải triển khai công việc từ xa, việc điện tử hóa toàn bộ các khâu xử lý văn bản cho phép cán bộ, công chức của Bộ khai thác sử dụng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị và ký số hoàn toàn ở tất cả các cấp, phát huy hiệu quả và giúp cho các hoạt động xử lý công việc của Bộ Tài chính không bị gián đoạn. Với chương trình EdocTC mới, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã thực hiện xử lý văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử, từ việc giao xử lý văn bản đến, đến việc ký số phê duyệt văn bản đi, tờ trình..., theo đó, hệ thống đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả xử lý công việc.
Với các kết quả nêu trên, Bộ Tài chính đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng mà Bộ Chính trị, Chính phủ đã đề ra. Có thể thấy một số nhiệm vụ Bộ Tài chính triển khai đã đáp ứng cơ bản 03 mục tiêu chính: (i) Thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số; (ii) Thay đổi phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên các công nghệ số; (iii) Thay đổi quy trình, phương thức làm việc trên môi trường số, bước đầu hình thành một phần hệ sinh thái Tài chính số của ngành Tài chính.
Hướng đến hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Bộ Chính trị, Chính phủ đề ra, mới đây nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nội dung quan trọng, mang tính tổng thể và dài hạn, có định hướng và tầm nhìn đến năm 2030 và đã xây dựng thành các nhiệm vụ cụ thể từng năm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Chính phủ, và thể hiện được quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung và của lãnh đạo Bộ nói chung trong việc thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số. Kế hoạch này là căn cứ quan trọng để các đơn vị trong ngành Tài chính bám sát và triển khai các nhiệm vụ của Bộ Tài chính một cách có hiệu quả.
Tại Kế hoạch này, Bộ Tài chính phấn đấu trong năm 2022 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Tài chính điện tử và phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Đến năm 2030 hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin.
Một số chỉ tiêu trọng tâm Bộ Tài chính dự kiến phấn đấu hoàn thành trước năm 2025 như: Cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân, doanh nghiệp cần; 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính được gắn định danh số trong xử lý công việc theo lộ trình chung của Chính phủ về định danh, xác thực điện tử; 100% hoạt động chỉ đạo điều hành và quản trị nội bộ của Bộ Tài chính được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan nhà nước khác được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng...
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch triển khai khoảng 100 nhiệm vụ cụ thể, trong đó tập trung triển khai 03 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của việc chuyển đổi số; Hoàn thiện cơ chế chính sách về chuyển đổi số; Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số...
Với việc triển khai tốt các nội dung nêu trên, Bộ Tài chính sẽ sớm đạt mục tiêu hình thành hệ sinh thái Tài chính số toàn diện, đầy đủ, phong phú và hiện đại trên mọi lĩnh vực, đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong công cuộc cải cách hành chính theo lộ trình của Chính phủ, tiết kiệm thời gian, chi phí trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước cũng như hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
2. Quyết định số 942/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đế năm 2025, định hướng đến năm 2030;
3. Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.