Đến năm 2025, cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch
Đó là một trong những mục tiêu được Bộ Tài chính đề ra trong Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu chuyển đổi số gắn với xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Đồng thời, thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Bộ Tài chính đặt mục tiêu chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, kế thừa kết quả triển khai Chính phủ điện tử để từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành Tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính số, tham gia tích cực vào sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Năm 2022, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Tài chính điện tử và phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Đến năm 2030, hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin.
Ngành Tài chính phấn đấu đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; Đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho công chức, viên chức được tiếp cận kiến thức, kỹ năng sế để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt dộng của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Bộ Tài chính chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, làm việc hiệu quả trong môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phố biến nội dung, chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số nói chung và Bộ Tài chính số nói riêng. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành trong toàn bộ các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để phát triển Bộ Tài chính số.
Cùng với đó, rà soát, tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức các đơn vị trong ngành Tài chính, triển khai cơ chế trao đổi thông tin giữa các đơn vị thuộc Bộ một cách hiệu quả đảm bảo phù hợp với định hướng chuyển đổi số, phát triển Bộ Tài chính số, xây dựng văn hóa môi trường làm việc số, chuyển đổi số cho cán bộ công chức, từ đó ban hành các chiến lược phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực để phù hợp định hướng chuyển đổi số của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổsung, xây dựng các kiến trúc, quy chế, quy định nội bộ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính về xây dụng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin phục vụ phát triển Bộ Tài chính số; Rà soát, ban hành các chính sách, quy định khuyến khích người dân và doanh nghiệp cung cấp, sử dụng các dịch vụ tài chính số.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ triển khai một số chương trình, nhiệm vụ cụ thể phục vụ chuyẻn đổi số của Bộ như: Phát triển hạ tầng số; các nền tảng, hệ thống; dữ liệu; phát triển ứng dụng, dịch vụ số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số.
Bộ Tài chính đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công. Trường hợp cần thiết, thủ trưởng các đơn vị xem xét, quyết định việc ban hành Kế hoạch của đơn vị đảm bảo cụ thể hóa các nhiệm vụ thành các giải pháp, đề án, công việc, kết quả đầu ra và tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Các đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp gắn với chức năng nhiệm vụ của đơn vị do mình chủ trì để thực hiện chuyển đổi số.