Hướng đi nào cho Trung Quốc trong xung đột tiền tệ

Theo Chinadaily

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục phải chịu áp lực quốc tế về giá trị đồng NDT. Rất nhiều gợi ý đã được đưa ra nhằm xoa dịu áp lực này mà không phương hại tới nền kinh tế Trung Quốc, và một trong số đó là phương án thúc đẩy nhập khẩu.

Trong tháng 9, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 144,99 tỷ USD. Tuy vậy tốc độ tăng trưởng lại giảm so với mức 34,4% của tháng 8. Bên cạnh đó, nhập khẩu của Trung Quốc leo lên mức 128,11 tỷ USD, đạt mức tăng 24,1%/ năm, thấp hơn tốc độ hồi tháng 8 là 11,1 điểm %. Do đó, tăng nhập khẩu có thể là cách tốt nhất để cân bằng thương mại quốc tế.

Ông Wei Jianguo, Tổng thư ký của China Center for International Economic Exchanges và là nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, đã đưa ra ba ví dụ nhằm bảo vệ cho đề xuất này.

Ví dụ đầu tiên đầu tiên được nhắc tới chính là ASEAN. Theo lời nhiều chuyên gia kinh tế tại hội nghị hồi tháng 11 năm ngoái, một trong những lý do quan trọng của việc các thành viên ASEAN  không chịu nhiều tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu là do họ liên tục xuất khẩu vào Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã đồng thuận áp thuế suất 0% cho hơn 7.000 mặt hàng được giao thương trong khu vực kể từ tháng 1 năm nay. Đây là một chính sách quan trọng mà Trung Quốc cần duy trì để chia sẻ tăng trưởng kinh tế với những quốc gia khác.

Ví dụ thứ hai là Nhật Bản. Trao đổi thương mại giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã tăng khoảng 30% trong năm nay, cao hơn Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Tỷ lệ tăng trưởng cao của giao dịch Sino - Nhật Bản góp phần vào sự thay đổi chiến lược đầu tư của Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc.

Cuộc họp đầu năm nay với Carlos Gutierrez, nguyên Bộ trưởng Thương mại Mỹ là ví dụ cuối cùng. Nước Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc muốn Mỹ gỡ bỏ các rào cản hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến. Vì vậy, cả hai phía đã nhất trí rằng thay đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc có thể kết thúc tình huống khó xử này.

“Những ví dụ trên cho thấy một chiến thuật nhập khẩu mới có thể là lựa chọn hợp lý cho Trung Quốc để duy trì cân bằng thương mại trên thế giới. Trung Quốc cần thiết lập mối quan hệ thương mại dài hạn với ASEAN và những nước phát triển khác bằng việc ưu tiên nhập khẩu. Đồng thời, nhập khẩu cũng là một phương thức tiếp nhận công nghệ cao từ những nước phát triển.”

Chính phủ Trung Quốc nên bổ sung chính sách nhập khẩu mới vào kế hoạch 5 năm lần thứ 12. “Trong số các lợi ích của quốc gia, chúng ta nên khuyến khích nhập khẩu thêm các sản phẩm tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu nội địa. Nhưng quan trọng hơn là phải điều tiết hoạt động nhập khẩu dựa trên nguyên tắc của một nền kinh tế xanh – mua những nguyên liệu và công nghệ tiên tiến với mức độ ô nhiễm thấp và khả năng tiết kiệm nhiên liệu cao.”, ông Wei cho biết.

Tháng 8 vừa qua, Trung tâm thương mại Hội chợ hàng hóa nhập khẩu Thượng Hải, đã được khởi công. Đây là trung tâm nhập khẩu hàng hóa cấp quốc gia đầu tiên của Trung Quốc. Vào ngày 17/08, phát ngôn viên của Bộ Thương mại đã cho biết Trung Quốc sẽ áp dụng hàng loạt các chính sách để đẩy mạnh nhập khẩu và cân bằng chênh lệch thương mại kể từ năm nay. Đó là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng chiến lược nhập khẩu mới.

 

Bắc Kinh đang phác thảo một chính sách thương mại mới, và ông Wei hi vọng chính sách này sẽ bao gồm những chiến thuật ngắn hạn cũng như dài hạn. “Trung Quốc thường nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ có giá cả phải chăng nhưng giờ chính phủ không nên giới hạn chính mình, chúng ta cần mua thêm cả những hàng hóa và dịch vụ khác nữa”. Danh mục hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể bao gồm dụng cụ chính xác và các sản phẩm công nghệ sinh học, hóa học, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng sạch.

 

Ông Wei cũng đưa ra ý kiến Trung Quốc có thể tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ những thị trường tiềm năng thông qua con đường nhập khẩu, hấp thụ và sáng tạo. Trung Quốc cũng nên lợi dụng hoạt động này như một công cụ khuyến khích các tập đoàn tiến ra thị trường nước ngoài. Và để thúc đẩy tiêu dùng, chính phủ cần xem xét cấp trợ cấp nhập khẩu và điều chỉnh thuế ở một số khu vực.

 

Nếu bản chất của thương mại quốc tế là một trò chơi "thắng-thua", thì kết quả tốt nhất trong dài hạn không phải là thặng dư thương mại mà là tốt ưu hóa cơ cấu xuất nhập khẩu.

Nhiều nhà kinh tế trên thế giới đang tranh luận liệu mức suy giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc – do sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ, có thể thúc đẩy xuất khẩu và tạo ra nhiều việc làm hơn tại những nền kinh tế khác hay không. Hiện tại chưa có một câu trả lời chắc chắn nào. Tuy vậy, chiến lược đẩy mạnh nhập khẩu có thể là một giải pháp hiệu quả. Nó có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa nước này và giảm thiểu sự phụ thuộc của nền kinh tế vào hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, giải pháp sẽ này giúp cân bằng lại thương mại thế giới. Trung Quốc sẽ cải thiện được quan hệ của mình với các quốc gia khác trên thế giới, dù là với nước phát triển hay đang phát triển. Ngay cả khi chiến lược này không thực sự thành công, nó vẫn là một phương pháp tốt để bình ổn lại thương mại quốc tế theo hướng "cùng thắng" cho tất cả các quốc gia.